Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ninh Phát Triển Thuỷ Sản Theo Hướng Bền Vững

Quảng Ninh Phát Triển Thuỷ Sản Theo Hướng Bền Vững
Ngày đăng: 22/01/2015

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 94.100 tấn, vượt 7% so với kế hoạch, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng nuôi trồng đạt 39.266 tấn tăng 15,5% so với kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có sản lượng đứng thứ 3/10 tỉnh, thành có chung ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 6-5-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị bền vững để thuỷ sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nghề nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành chức năng, Nghị quyết số 13 là động lực thúc đẩy kinh tế thuỷ sản phát triển, song để thực hiện được các mục tiêu nói trên thì còn gặp không ít khó khăn; trong đó phải kể đến việc phát triển dịch vụ cơ sở hậu cần nghề cá; vấn đề phát triển con giống và những cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Hiện nay, tổng diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh hàng năm luôn đạt trên 20.100ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 16.638ha; nuôi nước ngọt là 3.462ha; nuôi lồng bè 8.358 ô lồng.
Con giống cho nuôi trồng thuỷ sản hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2014, toàn tỉnh sản xuất được 885 triệu con giống các loại, trong đó: Tôm 562 triệu con, cá nước ngọt 103 triệu con, cá biển 7 triệu con, nhuyễn thể 183 triệu con, giống thuỷ sản khác 30 triệu con trong khi đó nhu cầu các đối tượng nuôi trên toàn tỉnh trên 4,3 tỷ con, do đó chỉ đáp ứng được 19,8% so với nhu cầu.
Giống thuỷ sản chủ yếu được người nuôi mua từ các tỉnh ngoài và từ Trung Quốc. Đây là một khó khăn lớn làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn. Công tác quy hoạch vùng sản xuất giống thuỷ sản chưa được thực hiện, các cơ sở sản xuất giống được hình thành mang tính tự phát, đầu tư không đồng bộ nên phát triển thiếu bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng và chế biến. Theo đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch số 2176/KH-SNNPTNT-TS để triển khai thực hiện; lập đề án tổng thể phát triển kinh tế ngành thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020.
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, trong đó có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản nước lợ, 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản nước ngọt với công suất bình quân đạt 30 - 40 triệu giống/năm. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể ngành thuỷ sản Quảng Ninh, đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 23.000ha, sản lượng đạt 53.000 tấn.
Để đạt được chỉ tiêu này, nhu cầu giống cần có đến năm 2020 là 6 tỷ con. Hiện nay, Công ty Giống thuỷ sản Việt Úc - một đơn vị sản xuất giống thuỷ sản uy tín đang tìm hiểu đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tại Quảng Ninh.
Cùng với đó, trung tâm giống tại Đầm Hà cơ bản đã xây dựng xong; trung tâm giống nhuyễn thể tại Vân Đồn được Bộ NN&PTNT đã đồng ý về chủ trương đầu tư… sẽ đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm giống thuỷ sản hàng đầu miền Bắc. Ngành cũng đã lập quy hoạch chi tiết cho nuôi trồng thuỷ sản, trong đó đảm bảo 30% diện tích nuôi quảng canh sẽ chuyển sang nuôi thâm canh.
Riêng huyện Tiên Yên sẽ chuyển hơn 1.000ha nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh sẽ góp phần nâng tỷ trọng, cơ cấu của ngành lên trong thời gian tới. Đối với khai thác thuỷ sản, từ năm 2014 đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc. Chỉ trong vòng một năm, đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ đã tăng gần 70 chiếc; tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ giảm gần 2.000 chiếc, nâng tổng sản lượng thuỷ sản khai thác lên hơn 54.800 tấn.
Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được đầu tư với 8 khu neo đậu tàu thuyền đang được đầu tư xây dựng; 103 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá, 34 chợ cá, bến cá và 24 cơ sở kinh doanh mua bán ngư cụ; 6 nhà máy chế biến thuỷ sản; 2 xí nghiệp sản xuất nước mắm; và 14 cơ sở sản xuất nước đá…
Trên cơ sở Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian tới, cùng với việc tập trung phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, ngành NN&PTNT sẽ tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; sản xuất, chế biến thuỷ sản theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ.
Tiếp tục đầu tư cho Chương trình khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, bến cá, hạ tầng các vùng sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản. Xây dựng, hình thành các trung tâm nghề cá của tỉnh, gắn kết với các ngư trường trọng điểm, các tuyến khai thác thuỷ sản và vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung để phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Vào Mùa Cúm Gia Cầm Vào Mùa Cúm Gia Cầm

Cúm gia cầm H5N1 đã tái phát ở một số địa phương lân cận TP HCM nhưng nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh. UBND tỉnh Tiền Giang vừa công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Đông. Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, từ ngày 31-10 đến 4-11, ngành thú y đã phát hiện tại 4 hộ trên địa bàn 2 xã Tân Phú và Tân Thới có vịt bệnh và chết. Tổng số vịt nuôi của 4 hộ là 938 con, trong đó có 315 con chết trong tổng số 557 con nhiễm bệnh kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1.

13/11/2013
Chăn Nuôi Theo Mô Hình VietGAP Chăn Nuôi Theo Mô Hình VietGAP

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi của xã Thanh Tân (Kiến Xương - Thái Bình), giàu lên từ vùng chuyển đổi. Trong số đó có gia đình anh Bùi Mạnh Hùng (thôn Tử Tế) mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi nhờ áp dụng chăn nuôi theo mô hình VietGAP.

13/11/2013
Quảng Ngãi Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Quảng Ngãi Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2013 toàn tỉnh đã thực hiện được 10 cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, với tổng diện tích 280 ha.

13/11/2013
Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân

Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt kế hoạch và hiệu quả cao, huyện chủ động yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai quy trình sản xuất và lịch thời vụ theo quy định của ngành Nông nghiệp tỉnh. Để việc tiêu thụ thuận lợi, hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu củ mì với nông dân.

13/11/2013
Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa

Sau khi thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tính đến nay, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã gieo cấy được 9.779 ha lúa, đạt 88,9% so kế hoạch, các xã có diện tích xuống giống đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là: Thạnh Phú, Gia Hòa 2, Tham Đôn, Thạnh Quới. Ngoài các giống lúa chủ lực như: ST5, OM 4900, OM 6162… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất.

13/11/2013