Quảng Ninh Khai Thác Thuỷ Sản Những Tháng Đầu Năm Sản Lượng Khá, Giá Ổn Định

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, số ngày bám biển của bà con ngư dân bình quân đạt từ 19-25 ngày/tháng đối với tàu khai thác ven bờ; 15-20 ngày/tháng đối với tàu khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác đạt hơn 11.800 tấn, tăng trên 4% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của bà con ngư dân và ngành chức năng, hoạt động khai thác thuỷ sản những tháng đầu năm bên cạnh thuận lợi về thời tiết còn cho hiệu quả vì giá bán sản phẩm cao, ổn định.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Hạ Long (Vân Đồn) cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm mới, do điều kiện thời tiết thuận lợi, các tàu khai thác của nghiệp đoàn đã tích cực bám biển nên sản lượng khai thác mỗi chuyến biển cũng cao hơn.
Hiện nay, đội tàu khai thác của nghiệp đoàn có 15 tàu công suất từ 90CV trở lên tham gia khai thác thuỷ sản tại vùng khơi Vịnh Bắc Bộ. Phần lớn các thành viên làm nghề chài chụp kết hợp ánh sáng. Tàu của gia đình tôi có công suất 300CV, ngư trường chủ yếu là vùng Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.
Do thời tiết thuận lợi cộng với những tháng đầu năm xuất hiện nhiều đàn cá nổi nên sản lượng khai thác đạt khá cao, giá bán ổn định. Bình quân mỗi chuyến khai thác, sản lượng đạt gần chục tấn; trừ chi phí cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Không chỉ đội tàu chài chụp kết hợp ánh sáng đạt sản lượng cao mà nghề câu vàng cũng cho hiệu quả khá lớn.
Ông Nguyễn Văn Thuân, ngư dân phường Tân An (Quảng Yên) cho hay: Từ đầu năm, thời tiết thuận lợi, tàu của gia đình bám biển dài ngày hơn. Sản lượng cũng khá hơn, bình quân đạt trên dưới 5 tạ/chuyến. Do sản phẩm của nghề câu vàng là các loại cá có giá trị cao như cá song, cá mú... tươi sống nên bán được giá cao.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10.565 tàu cá lắp máy, trong đó có 176 tàu công suất trên 90CV hoạt động khai thác xa bờ. Đội tàu hoạt động ven bờ 7.939 tàu, vùng lộng 2.450 tàu. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc phân bố số lượng tàu thuyền hoạt động giữa các tuyến khai thác có sự chênh lệch rất lớn như vậy gây khó khăn cho hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn.
Trong khi nghề khai thác xa bờ đạt sản lượng cao thì hoạt động khai thác gần bờ có chất lượng thấp, số tàu thuyền tham gia khai thác ngày một tăng cao, cường độ lớn khiến nguồn lợi cạn kiệt. Đây là khu vực hiện đang tập trung đông tàu thuyền khai thác và là khu vực thường xảy ra tranh chấp về mặt không gian.
Tại vùng biển này chiếm gần 80% số lượng tàu thuyền của tỉnh hoạt động… Do tàu bé chỉ khai thác gần bờ, nên thuỷ sản khai thác được chủ yếu là các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế thấp, tỷ lệ cá con, cá chưa trưởng thành chiếm tỷ lệ cao trong các mẻ lưới.
Tuy nhiên, theo bà con ngư dân, mặc dù những tháng đầu năm nay thời tiết thuận lợi cho khai thác; sản lượng khá, giá bán ổn định song chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi những tháng đầu năm tăng cao, chiếm tới trên 2/3 chi phí chung. Giá xăng dầu của Nhà nước đã giảm nhưng phần lớn ngư dân vẫn phải mua với giá cao, giá các loại vật tư lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng không ngừng tăng.
Ông Bùi Văn Đoàn, phường Tân An (Quảng Yên), một ngư dân đã có thâm niên với nghề câu khơi cho biết: Hiện nay đội câu khơi tại địa phương chúng tôi có gần 20 phương tiện hoạt động khai thác tại ngư trường Bạch Long Vỹ và Đông Nam Cô Tô. Với công suất 105CV, mỗi tháng bình quân tàu tôi ra khơi 2 chuyến, mỗi chuyến câu được khoảng 2 tạ cá mú, cá song sống; 3 tạ cá mú chết và cá phèn, cá tạp.
Riêng đối với nghề câu khơi do giữ được cá sống, to nên giá bán ổn định. Bình quân 450.000 đồng/kg cá mú sống; 160.000 đồng/kg cá mú chết; cá phèn 110.000 đồng/kg còn các loại khác 70.000-80.000 đồng/kg. Theo ông Đoàn, do chi phí mỗi chuyến khai thác tăng cao, nhất là chi phí tiền dầu và tiền nước đá nên hiệu quả khai thác theo đó cũng hạn chế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Để nâng cao hiệu quả khai thác cho bà con ngư dân, ngay từ đầu năm, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã phối hợp với các địa phương phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thuỷ sản cho bà con ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn cho tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác cho bà con ngư dân, cùng với đó hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ngư trường ngày một vươn xa vì thế sản lượng khai thác đã vượt so với kế hoạch 3 tháng đầu năm và tăng trên 4% so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm

Nghề của ông Nguyễn Cao Cường, thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) "độc" nhất trong vùng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - nuôi rắn hổ mang phì (rắn hổ phì). Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề "độc" này lại giúp gia đình ông gây dựng được cơ nghiệp.

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.

Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi nằm trong dự án phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực quy trình GAP tại thị trấn Tân Uyên và xã Thân Thuộc huyện Tân Uyên, quy mô 01 ha với 13 hộ nông dân tham gia.

Đã hơn một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Trung Hải (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi vụ nuôi vừa mới bắt đầu. Sau vụ nuôi 2012 có hiệu quả thì năm nay dịch bệnh ở tôm lại bùng phát gây thiệt hại đáng kể cho người dân.

Hiện nay, nuôi bò là mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao, nên thu hút nhiều người nuôi. Việc chăm sóc bò cũng rất đơn giản, thức ăn chủ yếu thường là các loại cỏ mọc tự nhiên và cỏ trồng. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể cho bò ăn thêm một số thức ăn khác.