Quảng Ninh Hướng Đi Mới Trong Cải Tạo Vườn Cây Kém Hiệu Quả

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh cải tạo vườn cây ăn quả theo hướng GAP (công nghệ sản xuất tiên tiến, năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) tại 2 phường Minh Thành và Đông Mai (TX Quảng Yên) với 55 hộ tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, ông Phạm Văn Cát, khu Tân Mai, phường Đông Mai cho biết: Hầu hết những gốc nhãn cũ trong vườn đều được trồng từ năm 1997 đến nay đã cằn cỗi, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng giống kém, chưa thực sự chú trọng thâm canh cải tạo vườn.
Hơn nữa, giống nhãn cũ cơ cấu giống không hợp lý nên thời gian thu hoạch quá ngắn, giá bán thấp, không đáp ứng yêu cầu thị trường. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tháng 3-2013, gia đình chúng tôi đã mạnh dạn tham gia mô hình ghép cải tạo 1,5ha vườn cây nhãn cỗi, năng suất thấp của gia đình bằng giống nhãn chín muộn.
Sau 4 tháng, mặc dù đang trong thời gian cải tạo vườn nhưng 100 gốc nhãn chín muộn của gia đình đã cho thu hoạch với sản lượng trên 1 tấn. Với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi cũng lãi được 50 triệu đồng. Về chất lượng, quả nhãn ở đây ngon không kém nhãn lồng Hưng Yên, thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn.
Giống nhãn chín muộn có nhiều ưu điểm như cây ra hoa muộn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dễ đậu trái, trái to hơn, chất lượng cao và bán được giá hơn. Cây ghép sinh trưởng khoẻ, cây cao chỉ từ 1,5 - 2m, tán hình bán cầu, dễ chăm sóc và dễ thu hoạch quả. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục ghép thêm 100 gốc nhãn chín muộn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phú, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Để cải thiện chất lượng quả, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước hướng các nhà vườn trồng cây ăn quả theo hướng hàng hoá, Trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh cải tạo vườn cây ăn quả theo hướng GAP tại phường Minh Thành và Đông Mai của TX Quảng Yên.
Ban đầu có 55 hộ tham gia mô hình, tổng diện tích vườn cây cần cải tạo 23,5ha. Hai giống cây đưa vào thử nghiệm là vải chín sớm Phương Nam và nhãn chín muộn HTM1. Mô hình đã tận dụng tối đa diện tích vườn hiệu quả thấp.
Người dân sử dụng phương pháp ghép cải tạo các mầm vải chín sớm, nhãn chín muộn trực tiếp trên các cành còn lại trên cây, qua đó giúp cây có thể thu hoạch chỉ sau 1 năm ghép, tận dụng gốc cây cũ bởi nhãn, vải là cây lâu năm nếu phải chặt bỏ để cải tạo lại toàn bộ diện tích sẽ rất lãng phí và phải sau ít nhất 3 - 4 năm mới cho thu hoạch lứa đầu. Đây là phương pháp kỹ thuật tương đối mới đối với bà con hiện nay.
Qua thực tế cho thấy, năng suất trung bình của vải chín sớm là 10 tấn/ha, nhãn chín muộn là 9 tấn/ha nhưng quả to, cùi dày và thơm, ngọt hơn. Nếu chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật thì rất ít bị sâu cuống, vảy rồng, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn quả theo quy định của GAP. Đây là một trong những hướng đi mới trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Mấy vụ gần đây, nông dân ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) chủ động chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, mang lại thu nhập hơn hẳn các loại rau màu khác.

Nông dân Võ Văn Quýt, 60 tuổi, nhà ở dưới chân sườn núi Cấm, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trồng trên 3.500 gốc xoài các loại. Mỗi năm, xoài cho ra trái 1 vụ chính, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài 4 tháng. Nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi của thiên nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Quýt xử lý xoài cho ra hoa, kết trái nghịch vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bán được giá, thu được lợi nhuận cao.

Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.

Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.

VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được kỳ vọng là hướng phát triển bền vững của ngành nuôi tôm nước lợ. Riêng tại Quảng Nam, dù có được kết quả bước đầu nhưng việc nhân rộng mô hình này gặp rất nhiều khó khăn...