Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông

Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông
Ngày đăng: 31/12/2014

Cuối năm, những cơn gió mùa đông bắc thổi về, trời trở lạnh, nhất là ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi xuống dưới 180C. Trước tình hình đó, nông dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây đang tập trung phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

Ôm bó cỏ voi xanh tốt bỏ vào máng cho đàn bò lai, ông Huỳnh Văn Ngạn, ở thôn Tân Long Trung (Ba Động) cười nói: “Mấy hôm nay trời mưa lạnh, tui cứ tranh thủ lúc trời ngớt mưa là đi cắt cỏ ngay để bò ăn dặm thêm với cám. Trời lạnh thế này, nếu không cho bò ăn no, chúng sẽ ốm rất nhanh nên mình phải chịu khó”.

Trên xã Ba Dinh, nhà chị Đinh Thị Tâm nằm cạnh đường Quốc lộ 24 cũng đã chất sẵn cây rơm. Nhưng sợ mưa lạnh kéo dài, thức ăn không đủ nên chị Tâm trồng thêm 250m2 cỏ voi. Chị Tâm cho hay: “Thức ăn là quan trọng, nhưng khi trời lạnh kéo dài, chuồng nuôi ẩm lạnh, trâu bò dễ mắc bệnh, nên trước khi vào mùa đông, mình đã tham gia tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng cho trâu bò. Những ngày trời mưa lạnh thì ngoài việc che chắn chuồng trại, tui còn cắt lá chuối khô bỏ vào chuồng cho trâu được ấm”.

Việc dự trữ rơm rạ làm nguồn thức ăn cho trâu bò được Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên phải sau mùa đông năm 2007 - 2008, khi trời rét lạnh kéo dài làm cho đàn trâu bò ở nhiều xã trên huyện miền núi Ba Tơ bị rét, cộng với thiếu đói nên làm cho hơn 1.000 con trâu, bò bị chết, bà con đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ mới chú trọng xây dựng chuồng trại và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông bài bản hơn.

So với các huyện trong tỉnh, Ba Tơ có đàn trâu bò lớn nhất. Theo thống kê của huyện Ba Tơ, đến cuối năm 2014, toàn huyện có 22.350 con trâu, tăng hơn 1.200 con so với năm trước và 9.000 con bò. Con trâu, con bò đã góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò có điều kiện cho con em ăn học hoặc có thêm tiền xây dựng nhà, mua sắm tiện nghi vật dụng.

Trong năm 2014, dịch bệnh tụ huyết trùng xuất hiện ở xã Ba Bích và Ba Dinh, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng NN&PTNT, Trạm Thú y huyện phối hợp với hai xã tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, tiến hành tiêu độc khử trùng vùng xảy ra ổ dịch nên dịch bệnh không lan ra các xã khác.

Ngoài ra, khi thu hoạch lúa hè thu, ngành nông nghiệp Ba Tơ cũng đã vận động đồng bào dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò. Trạm Thú y huyện tiến hành tiêm vắc xin tụ huyết trùng và bệnh lở mồm long móng cho trâu bò để phòng bệnh phát sinh và lây lan trong mùa đông.

Còn tại huyện Sơn Tây, hiện nay các cấp, ngành ở huyện đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống rét lạnh cho đàn gia súc nhằm hạn chế tình trạng trâu bò bị chết do rét, lạnh. Tổng đàn gia súc của huyện Sơn Tây có trên 20 ngàn con, trong đó trên 7.700 con bò, gần 1.800 con trâu, gần 9.800 con heo…

Trong vài năm trở lại đây, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ và các nguồn kinh phí khác, huyện Sơn Tây đã đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo trâu, bò, heo giống sinh sản nhằm tăng đàn gia súc trong toàn huyện. Nhờ vậy nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Ông Đinh Văn Lép (xã Sơn Mùa) nói: Cảm ơn Đảng, Nhà nước hỗ trợ bò cho tôi hiện nay tôi có 5 con bò. Thời gian này trời lạnh tôi mua tấm bạt che lại chuồng bò để cho bò ấm trong thời gian rét lạnh.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng – Phụ trách Trạm thú y huyện Sơn Tây cho biết: Trạm đã cử cán bộ xuống tận cơ sở hướng dẫn cho bà con những kỹ thuật cơ bản phòng chống đói, rét, che chắn bằng các vật liệu sẵn có như bao tải, bạt xung quanh chuồng để tránh gió lùa.

Ngoài trời, khi nhiệt độ xuống dưới 15oC thì tuyệt đối không được thả trâu bò ra ngoài và phải nhốt và cho ăn thức ăn tinh như cám gạo, cháo loãng pha thêm muối để giữ ấm. Đồng thời hướng dẫn thêm cách dự trữ thức ăn cho gia súc thế nào cho đảm bảo đủ chất, có lợi nhất cho sức khỏe của đàn gia súc…


Có thể bạn quan tâm

Cá Tra Càng Xuất Nhiều Càng Lỗ Cá Tra Càng Xuất Nhiều Càng Lỗ

11 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 487.700 tấn phi lê, tăng 28% so cùng kỳ năm 2010, đạt 1,47 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đến cuối tháng 11/2011, diện tích nuôi cá tra đạt 5.306 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 990.909 tấn

01/12/2011
Lễ Hội Ra Quân Nghề Cá Năm 2012 Lễ Hội Ra Quân Nghề Cá Năm 2012

Sáng 25-1, lễ hội ra quân nghề cá năm 2012 - lễ hội truyền thống sáng mùng 3 tết hàng trăm năm qua đã được UBND xã Phổ Thạnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức long trọng

25/01/2012
Doanh Nghiệp Thủy Sản Khó Khăn Chồng Chất Doanh Nghiệp Thủy Sản Khó Khăn Chồng Chất

Theo một số Giám đốc DN thủy sản: Chưa có năm nào như năm nay, các doanh nghiệp thủy sản gặp cảnh khó khăn trăm bề.

24/04/2012
Nuôi Cá Sặc Rằn Lãi Cao Nuôi Cá Sặc Rằn Lãi Cao

Cá sặc rằn là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, ít tốn kém chi phí, dễ nuôi. Thịt cá chắc ngọt, thơm ngon. Hiện, phong trào nuôi cá sặc rằn đang phát triển mạnh ở nhiều nơi

20/09/2011
Đông Thạnh Thoát Nghèo Nhờ Cây Trái Đông Thạnh Thoát Nghèo Nhờ Cây Trái

Vào những ngày đầu năm mới này, về xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành, Hậu Giang), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bộ mặt nông thôn toàn xã được “lột xác” từng ngày.

09/02/2012