Quảng Ngãi Nuôi Heo Trên Lầu Để Tránh Lũ

Đây là sáng kiến của gia đình chị Đỗ Thị Kim Phượng ở thôn Hoà Thọ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).
Với lợi ích mang lại, hình thức nuôi heo (lợn) này đang được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng nhằm tránh tổn thất về kinh tế khi mùa lũ về, mở ra hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân ở các vùng trũng trong tỉnh.
Thôn Hoà Thọ, xã Hành Phước là vùng thấp trũng ven sông Vệ nên gia đình chị Đỗ Thị Kim Phượng cũng như nhiều gia đình khác trong thôn hàng năm phải chịu nhiều trận lũ, do đó, hoạt động chăn nuôi của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thực tế đã có nhiều gia đình bị tổn thất lớn do gia súc bị lũ cuốn trôi. Xuất phát từ thực tế đó, chị Đỗ Thị Kim Phượng đã nảy ra ý tưởng xây nhà lầu để chăn nuôi heo, vừa phát triển kinh tế hiệu quả, lại vừa có thể đối phó với lũ lụt.
Chị Phượng cho biết, trước đây chuồng trại làm dưới thấp nên chỉ dám nuôi khoảng 10 con heo, nhưng từ ngày có chuồng trại cao ráo, chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đến nay, trong nhà nuôi heo của chị lúc nào cũng có khoảng 100 con heo thịt.
Nhà nuôi heo của chị được đầu tư khá vững chắc để chống chọi được với lũ lụt. Nền móng được xây chắc chắn, mặt sàn được đổ bê tông cách mặt đất 2m. Trên diện tích 100m2, chị chia làm 10 ô chuồng, mỗi ô chuồng nuôi khoảng 8 - 10 con, được trang bị máng ăn, vòi uống tự động.
Do chuồng trại được làm kiên cố, thoáng mát vào mùa hè, khô ráo vào mùa đông nên heo chị nuôi nhanh lớn, cứ 4 tháng chị xuất chuồng một lứa - khoảng 80 con heo thịt. Ngoài ra, tận dụng diện tích phía dưới sàn, chị làm thành chuồng nuôi bò.
Thức ăn cho heo và bò, chị tận dụng hèm nấu rượu (bã rượu) của gia đình nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí mua thức ăn. Chị cho biết, tuy đầu tư ban đầu khá cao nhưng với hình thức nuôi này chị có thể nuôi heo quanh năm, không sợ lũ lụt nên chỉ cần chăn nuôi tốt thì khoảng 2-3 năm là lấy lại vốn.
Theo chị Phượng, nhờ xây lầu cao nên không sợ lũ, có thể nuôi heo quanh năm, nhất là vào dịp Tết heo được tiêu thụ mạnh nên bán được giá cao, chứ trước kia qua Tết mới dám nuôi nên không có lời. Theo tính toán của chị, trung bình 1 con heo thịt (khoảng 80kg) bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, thu được hơn 3 triệu đồng; sau khi trừ chi phí (thức ăn, con giống) còn lãi khoảng 500 nghìn đồng/con.
Như vậy, 1 năm với 3 lứa heo xuất chuồng, đã cho chị nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn có nguồn thu từ 3 con bò đẻ, mỗi con lãi khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Ngoài hiệu quả kinh tế, hình thức nuôi heo trên lầu còn giúp hạn chế được dịch bệnh do nền chuồng cách xa mặt đất, hạn chế tiếp xúc với nhiều vật trung gian lây bệnh; nguời dân yên tâm, không sợ mất gia súc trong những ngày xảy ra lũ lụt, giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi...
Từ lợi ích của hình thức nuôi heo trên lầu của gia đình chị Đỗ Thị Kim Phượng, các hộ dân lân cận đã đến tham quan, học hỏi và đã ứng dụng có hiệu quả hình thức chăn nuôi này.
"Nuôi heo trên nhà lầu là hình thức chăn nuôi mới, rất phù hợp với người dân ở các vùng trũng hay bị ngập lụt, tránh được thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Vì vậy, bà con có thể tham khảo phương pháp làm này để sản xuất đạt hiệu quả. Sắp tới, Trạm sẽ tuyên truyền để người dân biết và áp dụng hình thức chăn nuôi mới này" - Ông Kiều Chiến, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.

Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.

Bộ NNPTNT và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân.

“Đa phần nông dân vùng ven Tuy Hòa này đều trông vào mấy chậu hoa để kiếm chút tết. Đất đai ngày càng hiếm. Nhu cầu cất nhà nhiều quá, đẩy giá đất lên, nhiều bà con cứ cắt đất sản xuất để bán ăn dần. Thành ra nông dân “tay không”, phải đi thuê đất trồng hoa, làm chỉ có huề vốn. Vì vậy, thấy đất bằng mà bỏ không nhiều năm, bà con đánh liều rủ nhau… làm đại!” - bà Thái Thị An ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, cho hay.