Quảng Ngãi cần quy hoạch vùng nuôi chim yến

Nuôi yến- “Người cười, kẻ khóc”
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, nếu như năm 2013, toàn tỉnh chỉ có hơn 30 nhà nuôi, thì đến đầu năm 2015 con số này đã là 107 nhà. Nhà nuôi yến tập trung chủ yếu ở TP.Quảng Ngãi và một số huyện lân cận, với tổng đàn khoảng gần 18.000 con. Tuy nhiên, do việc nuôi hình thành tự phát, nằm xen lẫn trong khu dân cư nên gây ra tiếng ồn cho những hộ gia đình sống xung quanh.
Chỉ tay về phía một nhà nuôi yến, ông Võ Văn Lâm (57 tuổi), ở tổ 22, phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi, ngao ngán: “Cháu tôi mới 10 tháng tuổi, không lúc nào nó ngủ được tròn giấc cả, chỉ 10 – 15 phút lại quấy khóc. Trong bán kính vài chục mét mà có tới hai nhà nuôi chim yến, tờ mờ sáng là họ mở loa rồi. Người lớn như tôi cũng chịu không nổi huống chi là con nít. Dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra hướng xử lý. Những người nuôi thì có cơ hội làm giàu, còn chúng tôi ở gần đó thì ngày đêm liên tục bị tra tấn bởi âm thanh phát ra”, ông Lâm bức xúc.
Còn chị Lan thì không thể lượng trước sự việc khi thuê mặt bằng mở quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo lại ở cạnh ngôi nhà nuôi chim yến, Chị Lan cho biết, do quán nằm sát vách với một nhà nuôi yến nên khi kê bàn gần đó khách thường bảo là có mùi hôi. Buổi trưa, tuyệt nhiên quán không có khách, mặc dù quán rất mát. Có nhiều người mới vừa vào đã vội quay xe ra vì nghe tiếng loa kêu inh ỏi, mà buổi trưa trời lại nắng nóng thì ai mà ngồi nghỉ ngơi nói chuyện được. Doanh thu của quán vì thế mà bị ảnh hưởng rất lớn”, chị Lan chia sẻ.
Bên cạnh tiếng ồn phát ra từ thiết bị khuếch âm để dẫn dụ chim yến, những nhà nuôi yến còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi khác. Ông Nguyễn Văn Thuận – Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh cho biết: Chim yến là một đối tượng vật nuôi đặc biệt, nếu chim mang mầm bệnh thì rất khó kiểm soát. Việc nuôi yến trong khu dân cư sẽ là một mối lo lớn khi xảy ra dịch bệnh.
Cần quy hoạch vùng nuôi
Năm 2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng có Công văn số 490/SNNPTNT về quản lý nuôi loài chim này trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho phòng NN&PTNT các huyện, thành phố và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở phối hợp triển khai thực hiện công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, rà soát và nhắc nhở các chủ cơ sở đảm bảo công tác vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh. Đa số cơ sở, hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh vẫn không đảm bảo các điều kiện theo quy định, đặc biệt là việc tổ chức nuôi nằm xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc.
Ths. Đỗ Văn Chung - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở NN&PTNT), cho biết: Hiện nay, việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là tự phát, chưa có quy hoạch khu vực nuôi. Đa số các cơ sở, hộ nuôi chim yến ở xen lẫn trong khu dân cư, nhất là tại TP. Quảng Ngãi. Việc sử dụng băng đĩa để thu hút chim về làm tổ gây ô nhiễm âm thanh trong khu phố, đồng thời rất dễ gây lây lan dịch bệnh cho người và các loại vật nuôi khác. “Tất cả những giải pháp sẽ không thể hiệu quả nếu các nhà nuôi yến vẫn còn nằm trong các khu dân cư. Vậy nên việc quy hoạch các cơ sở nuôi chim yến là hết sức cần thiết”, ông Chung nói.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tổng kết mô hình “Vỗ béo bò thịt” năm 2015 tại xã Nhơn Hội. Có 5 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ nuôi vỗ béo 1 con bò. Các hộ được tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò được Nhà nước hỗ trợ 100% giống cỏ Mulato - tương ứng hỗ trợ 300kg cỏ giống/hộ và 30% vật tư gồm thức ăn tinh, thuốc thú y...

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo tại BR-VT phát triển mạnh, kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn đang từng bước ứng dụng hầm biogas tại trang trại và đã mang lại hiệu quả, nhưng mô hình này chưa được nhân rộng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động nhập khẩu sản phẩm động vật đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nông sản trong nước đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, nội tại ngành chăn nuôi vẫn đang có rất nhiều yếu kém...

Ngày 15-8, tại TPHCM, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty TNHH De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia (DHFS - Safe Pork) ký biên bản hợp tác thiết lập chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Giá thanh long đang ở mức rất thấp cùng với bệnh trên thanh long đang bùng phát ở nhiều nơi làm cho người trồng cây ăn trái đặc sản này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.