Quảng Nam Tăng Cường Xử Lý Nuôi Tôm Lót Bạt Trên Vùng Cát Ven Biển

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, tại các địa phương ven biển, nhất là ở các xã Tam Tiến, Tam Hải, Tam Hòa (huyện Núi Thành); Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình) tình trạng người dân chặt phá cây phi lao ven biển, phá vườn, dỡ nhà, dùng xe cơ giới để đào múc, san ủi, lót bạt, xây dựng các ao nuôi tôm một cách bừa bãi, gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc phá vỡ chức năng phòng hộ ven biển đã làm cho nước biển dễ dàng xâm thực sâu vào đất liền; hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm xảy ra và gây ô nhiễm môi trường (đất, nước) nghiêm trọng; tình trạng buông lỏng quản lý, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm về bảo vệ môi trường, khai thác nước ngầm xảy ra nhiều nơi… gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Để chấn chỉnh tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thành phố ven biển nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá cây phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm.
Địa phương nào không kiên quyết xử lý ngăn chặn để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc cấp phép, xử lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc đang hoạt động hoặc di chuyển vào địa bàn các xã trên để san ủi làm ao nuôi tôm.
Công ty Điện lực Quảng Nam tạm ngừng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm trái phép dọc đường Thanh niên ven biển thuộc địa bàn các xã Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (huyện Núi Thành) và các hộ nuôi tôm tại Bãi Nờm xã Tam Hải. Kể từ ngày 1/1/2014, Công ty Điện lực Quảng Nam chỉ thực hiện cung cấp điện cho các hộ có phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường đối với các ao nuôi lót bạt (vùng triều và vùng cát ven biển) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, có biện pháp kiên quyết xử lý nghiêm các hộ nuôi tôm trái phép; tuyệt đối không để tình trạng người dân tự ý đào ao nuôi tôm trái phép tiếp tục xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã thông báo đến từng hộ dân, kể từ ngày 1/1/2014 tất cả các hộ nuôi tôm lót bạt trên địa bàn tỉnh (vùng ven biển và vùng triều ven sông) phải theo đúng quy hoạch, phải có phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và cho phép nuôi mới được tổ chức triển khai nuôi tôm theo quy định.
Có thể bạn quan tâm

Hàng loạt dự án nuôi tôm có quy mô lớn nhất nước tại tỉnh Hà Tĩnh chính thức phá sản vì “tỉnh không có đủ nguồn nhân lực”.

Trong những năm qua, thanh long Bình Thuận được xem là loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Với giá bán cao, thanh long giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu có. Và loại cây họ xương rồng này còn giải quyết lượng lao động nông nhàn tương đối lớn.

Sơ-ri là cây trồng truyền thống, thích hợp thổ nhưỡng nhiễm mặn nặng của vùng đất Gò Công (Tiền Giang). Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sơ-ri Gò Công giờ đây đã khẳng định được vị thế của mình.

Trồng hoa màu trái vụ thường gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết, tuy nhiên với vốn kinh nghiệm canh tác, lại biết nắm bắt được diễn biến của thời tiết, áp dụng các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà nhiều nông dân ở thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có thu nhập khá từ các mô hình trồng hoa màu trái vụ.

Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cấp bách, mang tính tạm thời vì muốn tiêu thụ hàng chục nghìn tấn sản phẩm này cần phải có những phương án bao tiêu dài hơi và căn cơ hơn.