Quảng Nam: Dưa, Ớt Được Mùa Được Giá

Nhiều hộ dân có đất sản xuất ở bãi bồi ven sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang bội thu mùa dưa hấu chính vụ và cây ớt.
Hái quả ngọt
Theo đánh giá của nhiều nông dân trồng cây dưa hấu, vụ đông xuân năm nay loại cây này cho năng suất chỉ đạt khoảng 85 - 90% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tuy nhiên, bù lại giá tư thương mua vào khá cao, hơn gấp đôi năm trước” - ông Trần Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang (Điện Bàn) cho biết.
Cũng theo ông Hiền, năm nay Điện Quang trồng được 60 ha dưa hấu chính vụ, diện tích tập trung chủ yếu tại 2 thôn Phú Đông và Phú Tây. Đến thời điểm này, sản lượng dưa hấu bình quân ước đạt gần 1 tấn/sào. Giá một ký dưa bán ra khoảng 6.500 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi sào nông dân lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Gia đình ông Hồ Xuân Hoàng (thôn Phú Tây) trồng chuyên canh cây dưa hấu từ nhiều năm nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vụ nào ông cũng bội thu. Năm nay ông Hoàng trồng trên 2 ha dưa hấu, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thực tế một số khu vực trồng dưa hấu tại Đại Hòa (Đại Lộc), ông Hà Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã khoe: “Rất may là dưa hấu năm nay được tư thương thu mua vào với giá cao, gấp nhiều lần so với vụ đông xuân năm rồi. Nhờ vậy, bà con mình rất phấn chấn, bù lại thời gian trước tết ai cũng “ủ rũ” vì cây đậu xanh còi cọc do gặp thời tiết bất lợi”. Xã Đại Hòa trồng được 16 ha dưa hấu chính vụ, tập trung tại 3 thôn có đất bãi bồi ven sông Thu Bồn là Mỹ Hòa, Thượng Phước và Giao Thủy. Đang cùng vợ thu hoạch trên ruộng dưa của mình, lão nông Nguyễn Phụng (thôn Thượng Phước) bắt chuyện với tâm trạng vui vẻ: “Gia đình tôi trồng được 7 sào dưa, 1 sào ước thu được khoảng 900 kg quả chính phẩm (đủ tiêu chuẩn xuất khẩu). Nếu năm vừa rồi, bình quân tư thương mua vào chỉ có 1 nghìn đồng/kg thì hiện nay là 6 nghìn đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, mỗi sào tôi thu lãi trên 3 triệu đồng”.
Được mùa vì... giá
Ông Trần Thanh Hiền thông tin, vụ đông xuân năm nay 3 loại cây cho thu nhập cao ở xã Điện Quang là thuốc lá, cây dưa hấu và đặc biệt là cây ớt. Điện Quang trồng 100 ha ớt, tăng 40 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 80 ha ớt Trang nông, còn lại là giống ớt Hàn Quốc. Sau khi thu hoạch, mỗi sào ớt Trang nông bình quân cho thu hoạch quả xanh ước đạt 2 tấn. Với giá bán ra 10 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân có thu nhập khá từ giống cây trồng này.
Không ít nông dân ở Điện Quang có diện tích trồng ớt Trang nông tương đối lớn như gia đình ông Trần Hùng (thôn Phú Đông) trồng được 7 sào, ông Phạm Dũng (thôn Bến Đền Tây) ngoài 8 sào dưa hấu còn trồng được 5 sào ớt Trang nông. Ông Dũng cho biết, qua đợt hái quả lần đầu, 8 sào dưa mang lại cho gia đình trên 50 triệu đồng. Riêng diện tích ớt Trang nông, mỗi sào nếu giá cả ổn định thì ông cũng kiếm được khoảng 30 triệu đồng/sào (chưa trừ chi phí đầu tư).
Cũng theo lời ông Hiền, 3 loại cây thuốc lá, dưa hấu, ớt ở vụ mùa năm nay đều gặp nhiều thuận lợi. Trước hết là do nông sản được mua với giá cao, cộng thêm thời tiết rất thuận lợi cho các loại cây này phát triển. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất không ngừng tăng lên. “Một thuận lợi nữa phải kể đến là hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương với vai trò là “bà đỡ” đã đầu tư phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm... Chương trình thủy lợi hóa đất màu cũng được đầu tư mạnh nên nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Chúng tôi sẽ tích lũy những kinh nghiệm có được từ các vụ mùa vừa qua để giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất các loại cây này ở địa phương” - ông Hiền nói.
Có thể bạn quan tâm

Đó là những lý do đầy thuyết phục để gần một năm qua, những hộ chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu mạnh dạn ứng dụng quy trình VietGap trong chăn nuôi bò sữa kể từ khi Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu milk) đủ điều kiện cấp chứng nhận vào tháng 11 - 2013.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn là các đại gia nắm quyền chi phối trong ngành này. DN nhỏ và vừa đang chật vật tìm hướng để tồn tại trong giai đoạn hội nhập.

Theo chân ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Bình, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò của anh Thủ tại khu vực Suối Nổ (thôn Bình Lộc 1). Trong trang trại rộng 3 ha trồng nhiều loại cây ăn quả, anh Thủ đã dành đến 2 ha để trồng cỏ voi và 0,5 ha làm lúa nước.

Nguồn cung sữa bò nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu. Để đáp ứng, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sản phẩm sữa (kể cả kem), năm 2013 phải chi 1,2 tỷ USD cho việc nhập khẩu này. Vì vậy, nghề nuôi bò sữa được xem là có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa (Long An), ngày 26-9-2014, huyện đã tiến hành tiêu hủy 400 con gà của hộ ông Phạm Bá Thước, ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ. Đàn gà được ông Thước nhập về nuôi vào ngày 19-9, với số lượng 2.000 con (1 ngày tuổi) có giấy kiểm dịch của Chi cục Thú y Khánh Hòa.