Quảng Nam: Dưa, Ớt Được Mùa Được Giá

Nhiều hộ dân có đất sản xuất ở bãi bồi ven sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang bội thu mùa dưa hấu chính vụ và cây ớt.
Hái quả ngọt
Theo đánh giá của nhiều nông dân trồng cây dưa hấu, vụ đông xuân năm nay loại cây này cho năng suất chỉ đạt khoảng 85 - 90% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tuy nhiên, bù lại giá tư thương mua vào khá cao, hơn gấp đôi năm trước” - ông Trần Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang (Điện Bàn) cho biết.
Cũng theo ông Hiền, năm nay Điện Quang trồng được 60 ha dưa hấu chính vụ, diện tích tập trung chủ yếu tại 2 thôn Phú Đông và Phú Tây. Đến thời điểm này, sản lượng dưa hấu bình quân ước đạt gần 1 tấn/sào. Giá một ký dưa bán ra khoảng 6.500 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi sào nông dân lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Gia đình ông Hồ Xuân Hoàng (thôn Phú Tây) trồng chuyên canh cây dưa hấu từ nhiều năm nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vụ nào ông cũng bội thu. Năm nay ông Hoàng trồng trên 2 ha dưa hấu, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thực tế một số khu vực trồng dưa hấu tại Đại Hòa (Đại Lộc), ông Hà Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã khoe: “Rất may là dưa hấu năm nay được tư thương thu mua vào với giá cao, gấp nhiều lần so với vụ đông xuân năm rồi. Nhờ vậy, bà con mình rất phấn chấn, bù lại thời gian trước tết ai cũng “ủ rũ” vì cây đậu xanh còi cọc do gặp thời tiết bất lợi”. Xã Đại Hòa trồng được 16 ha dưa hấu chính vụ, tập trung tại 3 thôn có đất bãi bồi ven sông Thu Bồn là Mỹ Hòa, Thượng Phước và Giao Thủy. Đang cùng vợ thu hoạch trên ruộng dưa của mình, lão nông Nguyễn Phụng (thôn Thượng Phước) bắt chuyện với tâm trạng vui vẻ: “Gia đình tôi trồng được 7 sào dưa, 1 sào ước thu được khoảng 900 kg quả chính phẩm (đủ tiêu chuẩn xuất khẩu). Nếu năm vừa rồi, bình quân tư thương mua vào chỉ có 1 nghìn đồng/kg thì hiện nay là 6 nghìn đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, mỗi sào tôi thu lãi trên 3 triệu đồng”.
Được mùa vì... giá
Ông Trần Thanh Hiền thông tin, vụ đông xuân năm nay 3 loại cây cho thu nhập cao ở xã Điện Quang là thuốc lá, cây dưa hấu và đặc biệt là cây ớt. Điện Quang trồng 100 ha ớt, tăng 40 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 80 ha ớt Trang nông, còn lại là giống ớt Hàn Quốc. Sau khi thu hoạch, mỗi sào ớt Trang nông bình quân cho thu hoạch quả xanh ước đạt 2 tấn. Với giá bán ra 10 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân có thu nhập khá từ giống cây trồng này.
Không ít nông dân ở Điện Quang có diện tích trồng ớt Trang nông tương đối lớn như gia đình ông Trần Hùng (thôn Phú Đông) trồng được 7 sào, ông Phạm Dũng (thôn Bến Đền Tây) ngoài 8 sào dưa hấu còn trồng được 5 sào ớt Trang nông. Ông Dũng cho biết, qua đợt hái quả lần đầu, 8 sào dưa mang lại cho gia đình trên 50 triệu đồng. Riêng diện tích ớt Trang nông, mỗi sào nếu giá cả ổn định thì ông cũng kiếm được khoảng 30 triệu đồng/sào (chưa trừ chi phí đầu tư).
Cũng theo lời ông Hiền, 3 loại cây thuốc lá, dưa hấu, ớt ở vụ mùa năm nay đều gặp nhiều thuận lợi. Trước hết là do nông sản được mua với giá cao, cộng thêm thời tiết rất thuận lợi cho các loại cây này phát triển. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất không ngừng tăng lên. “Một thuận lợi nữa phải kể đến là hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương với vai trò là “bà đỡ” đã đầu tư phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm... Chương trình thủy lợi hóa đất màu cũng được đầu tư mạnh nên nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Chúng tôi sẽ tích lũy những kinh nghiệm có được từ các vụ mùa vừa qua để giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất các loại cây này ở địa phương” - ông Hiền nói.
Có thể bạn quan tâm

Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nuôi tôm tại tổ hợp tác ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đến hết quý 3 năm 2015, toàn tỉnh có gần 192 ha diện tích thả nuôi tôm bị thiệt hại hoàn toàn về kinh tế do nhiễm bệnh.

Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng thế giới. Mà tôm khô ngon, được nhiều người biết đến nhờ chỉ dẫn địa lý là tôm khô Rạch Gốc (Cà Mau).
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với đó chính sách hỗ trợ tàu thuyền khai thác xa bờ giải quyết kịp thời đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển.

Mới đây ở thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Đánh giá tiềm năng sản xuất kinh doanh sản phẩm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam đã có bài tham luận “Tái tạo và phát triển sò điệp tại vùng biển Bình Thuận” .