Quang Bình Gieo Cấy Đạt Trên 80% Diện Tích Vụ Đông Xuân

Vụ Đông - xuân năm nay, huyện Quang Bình gieo cấy 1.898 ha lúa. Đến nay, nhân dân đã làm đất xong 100% diện tích, nhiều xã vùng thấp như Vĩ Thượng, Xuân Giang, Bằng Lang, Tân Bắc, Tân Trịnh, thị trấn Yên Bình... bà con nông dân đang tiến hành gieo cấy đạt trên 80% diện tích.
Cơ cấu giống chủ yếu là HKT99, Nhị ưu 838, PC 6, BG 1, Khang dân 18... Cùng với cây lúa, hiện nay nhân dân đã làm đất ước đạt trên 90% diện tích trồng ngô (tương đương trên 1.537,3 ha/1.708,1 ha kế hoạch); trồng được trên 45% diện tích. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ấm áp, bà con nhân dân gieo trồng 1.730 ha cây lạc và 356 ha cây đậu tương, đạt trên 80% diện tích.
Để đảm bảo cho năng suất, chất lượng và sản lượng đạt mục tiêu đề ra cho vụ Đông - xuân và vụ Mùa, năm nay, huyện vẫn tiếp tục hỗ trợ nhân dân giống, phân bón, đầu tư có thu hồi để tái đầu tư. Hiện, huyện đã triển khai cho vay được 11.419 kg giống lúa các loại gồm (Nhị ưu 838 là 7.166 kg; HKT 99 là 443 kg; Khang dân 18 là 575 kg; PC 6 là 1.101 kg; BG 1 là 2.134 kg). Triển khai đăng ký vay phân cho lúa được 45.000 kg các loại, vay phân cho cam, chè là 110.000 kg; vay giống lạc được 1.200 kg, giống ngô được 1.000 kg các loại.
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp dự trữ đủ nguồn phân bón các loại đáp ứng nhu cầu sản xuất cho bà con nhân dân; tập trung chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân nạo vét kênh mương đảm đảo đủ nước tưới cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân; chỉ đạo đơn vị thi công các đầu điểm kênh mương tu sửa theo kế hoạch, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng tại 15/15 xã với 36 đầu điểm sửa chữa nhỏ và 5 đầu điểm sửa chữa lớn đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, vụ Đông - xuân năm nay huyện Quang Bình triển khai mô hình gieo mạ khay tập trung tại thôn Lủ Hạ, xã Tân Bắc. Mô hình được thực hiện 111kg giống, với 1.110 khay mạ, bằng giống lúa lai Nhị ưu 838, với 25 hộ tham gia. Đây là mô hình mới và để triển khai tiến bộ kỹ thuật tới người dân, ngay từ khi triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện đã tập huấn kỹ thuật ngâm ủ thóc giống, làm đất, làm nhà che phủ nilon, kỹ thuật làm mạ khay, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho mạ.
Trong thời gian thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông cùng với xã chỉ đạo sát sao nông dân trong từng khâu sản xuất. Đến nay, mô hình bước đầu cho kết quả tốt, mạ khay sinh trưởng phát triển tốt, cứng cây, sạch sâu bệnh, phát triển đồng đều.
Mô hình này được các cơ quan chuyên môn cũng như các hộ nông dân tham gia mô hình đều nhận định, áp dụng gieo mạ khay giảm lượng giống, giảm chi phí sản xuất, cây sinh trưởng phát triển tốt. Đây thực sự là một tiến bộ kỹ thuật, giải quyết được khó khăn về thời vụ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và liên kết trong sản xuất tại địa phương.
Đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Để tập trung cho sản xuất vụ Đông - xuân đạt hiệu quả cao, huyện đang quyết liệt chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo nhân dân gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch và tập trung chăm sóc, bón phân cho các loại cây trồng sau cấy.
Đối với các xã vùng cao, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức tốt Lễ hội Lồng Tồng vào ngày 21.2 (tức ngày mùng 3 âm lịch Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015) và Hội thi cấy lúa Xuân tại các xã, thị trấn để tạo phong trào lao động thi đua sản xuất giữa các thôn, các xã.
Cùng đó, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc và cây trồng vụ Đông- xuân năm 2014 – 2015 và kiểm tra, theo dõi công tác kiểm dịch, vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2015 như tiêm phòng vắc xin LMLM, THT cho trâu, bò; vắc xin dịch tả cho đàn lợn; thực hiện có hiệu quả tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng theo kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Cây đinh lăng thường được trồng làm cảnh, lấy lá ăn sống hoặc dùng trong đông y; giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thương lái đi mua gom cây đinh lăng với giá cao khiến loại cây này trở nên khan hiếm. Vì sao?

Ở tỉnh Bình Định, mì là một cây màu chủ lực, với diện tích trên dưới 10.000 ha/năm.Thu nhập từ cây mì là nguồn thu nhập đáng kể của hàng ngàn hộ nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, năng suất mì ở tỉnh ta chưa cao (khoảng 24,3 tấn/ha năm 2014), hàm lượng tinh bột thấp và độ đồng đều không cao; nguy cơ bạc màu, xói mòn rửa trôi đất trồng vẫn tiềm ẩn.

Nông dân tại nhiều quận, huyện TP Cần Thơ bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2015 và trúng mùa khi hầu hết các trà lúa hè thu sớm thu hoạch cho năng suất rất cao. Nông dân cũng đang có nhiều thuận lợi trong thu hoạch lúa nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng…

Hiện nay, phong trào trồng rừng tràm đang lan rộng. Nhiều địa phương ở Đồng Nai, như: Trảng Bom, Vĩnh Cửu… đã hình thành nên những làng sản xuất giống cây tràm. Đa số các cơ sở này đều hình thành tự phát do nhu cầu mua giống trồng rừng tràm trong dân không ngừng tăng cao.

Gia Lai có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu, cà phê, điều… Với tiềm năng thuận lợi đó, trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày.