Quảng Bình Đánh Cược Với Cây Cao Su

Mặc dù bị cơn bão số 10 năm 2013 tàn phá song hiện vẫn có rất nhiều nông dân ở miền Trung, trong đó có Quảng Bình, vẫn đánh liều với cây cao su…
Rủi ro lớn, vẫn chọn cao su
Với người nông dân trồng cao su ở Quảng Bình tháng 10.2013 đã trở thành một dấu mốc thời gian khó quên. Sau cơn siêu bão, hàng ngàn nông dân ngơ ngác, xót xa nhìn vườn cao su của mình phút chốc hoang tàn. Tiền của, công sức của hàng chục năm chăm bẵm, kỳ vọng đã bị ngọn gió tàn bạo của thiên tai thổi bay. Con số thống kê cho biết, siêu bão số 10 đã làm 12.174/18.220ha cao su của nông dân ở Quảng Bình bị đổ gãy, trong đó hơn 8.000ha đổ gãy hoàn toàn. Hàng ngàn hộ nông dân nơi đây phút chốc trắng tay.
Xót xa và hoang mang, ngay sau bão, nông dân Quảng Bình mang theo nỗi băn khoăn về việc tiếp tục trồng hay không trồng cao su lên xã, lên huyện và lên tỉnh để hỏi. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức và rồi cuối cùng chính người nông dân đã quyết định tiếp tục trồng cao su. Theo họ, từ trước đến nay chưa có loại cây gì mang lại hiệu quả kinh tế lớn như trồng cao su, mặc dù trồng cao su đầu tư lớn mà rủi ro thì nhiều.
Nông dân Nguyễn Hữu Phường (SN 1948) ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, người đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với cây cao su, khẳng định: Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục trồng cao su. “Những tác động tiêu cực của thiên tai là điều không tránh khỏi, đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay. Vấn đề là sau cơn siêu bão vừa qua, chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm gì trong việc trồng cao su để tránh được thiệt hại thấp nhất” – ông Phường nói.
Xuất thân là công nhân cao su Nông trường Việt Trung, sau gần 30 năm gắn bó với nông trường, lúc nghỉ hưu, ông Phường "ra riêng" với vườn cao su của mình, mà cao điểm nhất, nó đạt 30ha diện tích.
Trước cơn bão số 10, ông đang sở hữu 17ha, trong đó có 6ha đã đưa vào khai thác, 11ha còn lại dự định đưa vào khai thác trong năm 2015, 2016. Thế nhưng, cơn bão số 10 đã làm 70% diện tích cao su của ông bị gãy đỗ. Ngay sau bão, vừa thu dọn diện tích gãy đổ, ông Phường đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phục hồi và trồng lại cây cao su.
Cũng như ông Phường, chị Lê Thị An, chủ một tiểu điền cao su khác cũng cho rằng: “Khi trồng cao su, chúng tôi phải chấp nhận có thể gặp rủi ro do bão. Hầu hết các loại cây trồng đều có thể bị thiệt hại do thiên tai, nhưng cây cao su có giá trị kinh tế cao, mà thực tế từ trước đến nay, chưa loại cây trồng nào bì kịp, vậy nên chúng tôi vẫn tiếp tục trồng sau bão”.
Nhìn gần mà không nghĩ xa
Theo ông Trần Đình Hiệp- Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở NNPTNT Quảng Bình, trên vùng gò đồi không chủ động nước tưới, thường xuyên bị khô hạn như ở Quảng Bình thì chỉ có cây cao su mới đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Dù diện tích cao su của tỉnh bị gãy đổ trong đợt bão vừa qua rất lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề, nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với loại cây này. “Vấn đề là bà con nông dân nên tranh thủ nghiêm ngặt các giải pháp kỹ thuật về trồng cây cao su để tránh được gió bão”- ông Hiệp lưu ý.
Tại huyện Bố Trạch, địa phương có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Bình, mới đây đã mở một cuộc hội thảo nữa về cây cao su. Trong thành phần tham gia hội thảo có khá nhiều gương mặt những nông dân dạn dày kinh nghiệm về loài cây này.
Và như ông Phan Văn Gòn - Chủ tịch UBND huyện, người chủ trì hội thảo nói, thì đây là một cuộc chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm giữa huyện với người nông dân nhằm tìm ra hướng đi bền vững nhất cho cây cao su trên đồng đất Bố Trạch.
Tại hội thảo này, có nhiều ý kiến tâm huyết của chính những người trồng cao su đã được đưa ra mổ xẻ. Ông Nguyễn Tiến Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Tây Trạch, địa phương có 70% hộ dân tham gia trồng cao su với tổng diện tích 1.200ha mang về bình quân mỗi năm 60 tỷ đồng, tâm sự: “Thiên tai đã khiến cho 880ha cao su của địa phương bị thiệt hại khoảng 70%. Nhưng thiên tai cũng đã mang lại cho người nông dân những bài học đắt giá trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, chọn giống là một trong những khâu thiết yếu nhằm bảo đảm cho cây cao su chống chịu được gió bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Bản thân ông Hùng cũng đang sở hữu gần 7ha cao su, trong đó có 2,3ha đã đưa vào khai thác.
Vừa là người trồng, vừa hỗ trợ trong khâu cung ứng giống cho các hộ dân trong xã, qua thực tiễn kinh nghiệm của mình, ông Hùng và nhiều hộ trồng cao su ở Bố Trạch đang ấp ủ dự định chủ động nguồn giống cao su tại địa phương bằng phương pháp gieo hạt trực tiếp và ghép tại vườn.
Ưu điểm của phương pháp này là cây cao su sẽ có bộ rễ dài, phát triển khoẻ sẽ chắc chắn hơn khi có bão. Bên cạnh đó, quá trình khai thác cũng cần tuân thủ những quy định chặt chẽ, tránh khai thác theo kiểu "vắt kiệt" khiến cây cao su ngày càng yếu và tuổi thọ ngắn hơn.
Thực tế cho thấy, có không ít hộ nông dân, đứng trước những lợi nhuận có thể mang về mỗi ngày của cây cao su, đã khai thác không thương tiếc thay vì tuân thủ quy trình khoa học.
Và hậu quả của việc nhìn gần mà không nghĩ xa chính là những thiệt hại nghiêm trọng mà người trồng cao su đã và đang phải gánh chịu. Bên cạnh đó, để cây cao su tiếp tục phát triển vững chắc, đương đầu được với thiên tai, việc trồng rừng vành đai chắn gió một lần nữa đã được mang ra bàn thảo kỹ lưỡng.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù lượng xoài tại các nhà vườn hiện không nhiều nhưng vẫn liên tục sụt giảm. Cụ thể, giá xoài ba mùa hàng đẹp dao động ở mức 8 - 10 ngàn đồng/kg, giảm 3 ngàn đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Xoài cát Hòa Lộc và Đài Loan, hàng đẹp ở mức giá trên 20 ngàn đồng/kg, giảm từ 8 - 10 ngàn đồng/kg.

Yếu tố tác động môi trường như nguồn nước, các tạp chất tồn tại trong ao cao sinh ra nhiều mùn bã hữu cơ, vi sinh vật có hại phát sinh và phát triển gây bệnh cho cá, một trong số bệnh đáng quan tâm đó là bệnh ký sinh trùng đường máu trên mô hình nuôi cá.

Hồng Sơn có diện tích trên 12 ha nuôi thủy sản nước ngọt, là xã khá nhất trong phong trào nuôi trồng thủy sản nước ngọt của huyện Hàm Thuận Bắc.

Ao nuôi tôm không quá lớn, là một biện pháp tránh rủi ro, vì nếu có hỏng ao này còn ao kia. Khi bệnh tôm phát sinh, ao nuôi nhỏ sẽ dễ xử lý và ít tốn kém hơn. Nếu dụng cụ, máy móc của một trong số ao này bị hỏng có thể di chuyển bổ sung cho nhau để giải quyết tạm thời. Diện tích tối ưu của ao nuôi tôm nên từ 3.000-5.000m2.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi 47,4 tỉ đồng bồi thường thiệt hại 102 ao nuôi các loài thủy sản, với diện tích gần 37,3 ha, chiếm gần 63% so với tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.