Quản Lý Kinh Doanh Vật Tư Nông Nghiệp Còn Nhiều Bất Cập

Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Thị trường vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân đã đi vào nền nếp.
Các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV được phép lưu thông trên thị trường với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo đã góp phần làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại trên thị trường nhiều sản phẩm phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Công tác quản lý kinh doanh các mặt hàng trên còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 703 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, 472 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thủy sản; 525 cơ sở kinh doanh phân bón. Nhìn chung các loại phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi cung ứng ra thị trường đã đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng và hết hạn sử dụng.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh đã chấp hành tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, thực hiện tốt các quy định về niêm yết giá và công bố chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên vẫn còn có các cửa hàng, hộ kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi đã đưa ra thị trường những giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho người sản xuất.
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 124 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về nhãn mác, về đo lường…; trong đó vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV 45 vụ, thức ăn chăn nuôi và thủy sản 64 vụ, phân bón 15 vụ.
Thanh tra Sở nông nghiệp và PTNT và các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với 80 tổ chức, cá nhân với các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không có biển hiệu kinh doanh, bày bán hàng chung với các loại hàng hóa khác, nhãn hàng hóa ghi chưa đúng quy định; hàng hóa hết hạn sử dụng…
Thực tế cho thấy, việc quản lý kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn các tổ chức kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp kể trên có số lượng lớn, đa dạng về mẫu mã, chủng loại lại nằm dàn trải trên phạm vi toàn tỉnh nên rất khó kiểm soát.
Lâm Thao là huyện có mạng lưới kinh doanh các vật tư nông nghiệp kể trên khá phong phú. Hiện nay trên địa bàn có 192 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mạng lưới kinh doanh các vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh và tuân thủ các chính sách pháp luật đã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Nhờ đầu tư sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thủy sản nên năng suất lúa từ 58,5 tạ/ha năm 2012 tăng lên 60,4 tạ/ha năm 2014; tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh giảm xuống còn 1,01%; chăn nuôi mở rộng quy mô trang trại, gia trại, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ổn định gần 8 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát theo thời vụ và nằm phân tán nên rất khó quản lý”.
Thực tế tại các hộ kinh doanh dễ dàng nhận thấy, một số người dân chưa hiểu hết được các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận kinh tế đã chưa chấp hành các quy định của pháp luật. Phần lớn các cửa hàng kinh doanh các vật tư nông nghiệp kể trên chưa đảm bảo điều kiện về môi trường, chưa có chỗ thu gom rác. Đến cửa hàng của anh Bùi Hoàng Thu ở Tứ Xã (Lâm Thao) chúng tôi được biết, cơ sở này có đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đã qua các lớp tập huấn…nhưng người đi tập huấn là anh Thu, người đứng bán hàng lại là vợ anh Thu nên còn thiếu kiến thức pháp luật trong kinh doanh.
Cũng thực trạng chung như Lâm Thao, Thanh Thủy có 24 hộ kinh doanh phân bón, 9 hộ kinh doanh thuốc BVTV và 24 hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ theo thời vụ nên rất khó quản lý.
Vẫn còn tình trạng các hộ buôn bán không có chứng chỉ hành nghề, bán thuốc lưu động trên thị trường, tại các chợ rất khó kiểm soát, những vi phạm về chất lượng, ghi nhãn hàng hóa đối với thuốc BVTV, phân bón vẫn xảy ra. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng, phương tiện đi lại thiếu; trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Công tác lấy mẫu, phân tích mẫu đối với các loại vật tư nông nghiệp chưa được nhiều nên chưa đánh giá được toàn diện về chất lượng các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy việc kiểm tra, thanh tra chủ yếu bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm nên chưa phát hiện triệt để. Khó khăn trong quản lý kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và thức ăn chăn nuôi hiện nay còn do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều trường hợp đã bị xử phạt rồi vẫn tái phạm. Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ, song các văn bản hướng dẫn của Bộ còn chậm và chưa đồng nhất.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 thay cho các Nghị định ban hành trước đây về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/2/2014 giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về phân bón và trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý sản xuất kinh doanh, chất lượng phân bón hữu cơ và các phân bón khác nhưng cho đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá phân loại đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, thức ăn chăn nuôi đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Công thương cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón; sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý thuốc BVTV làm cơ sở cho công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước siết chặt quản lý sản xuất, cung ứng và buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi”.
Thiết nghĩ cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến người dân để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; quan tâm chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác thanh tra, kiểm tra để việc quản lý kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp kể trên hiệu quả cao.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/quan-ly-kinh-doanh-vat-tu-nong-nghiep-con-nhieu-bat-cap-2374234/
Có thể bạn quan tâm

Kể từ ngày 06/8/2015, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trên lãnh thổ Việt Nam cần áp dụng các quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2015 của Bộ NN và PTNT về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Gia Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi tằm, nuôi bò, nuôi heo kết hợp với trồng trọt… và mới đây, xuất hiện thêm trang trại nuôi dê. Đây là mô hình chăn nuôi hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng.

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCSHCM, nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong vào mảnh đất đầy khó khăn thuộc các xã biên giới Quảng Trực, Quảng Tân, huyện Tuy Đức hiện nay để khai khẩn vùng đất mới. Từ đó, nhiều TNXP đã quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất Đắk Nông.

6 tháng đầu năm 2015, dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngành Công thương tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao. Tình hình xuất khẩu dù có nhiều sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đang đối diện với tình hình xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm. Đây là nhận định của Sở Công thương tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 được tổ chức vào ngày 13-7.

Anh Nguyễn Thành Tân (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những người gặt hái thành công từ nghề ương, nuôi cá giống, cá tai tượng thịt. Anh Tân cho biết, gắn bó với nghề này đã hơn 15 năm nay, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.