Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp ở Hà Nội yếu do nhân lực mỏng

Mặc dù ngành nông nghiệp đã quan tâm chỉ đạo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), nhưng trên thực tế, việc triển khai còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, mà một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ thiếu và yếu.
Phát hiện nhiều sai phạm
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có hơn 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN có giấy phép đăng ký kinh doanh do cấp thành phố quản lý. Ngoài ra, có gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN có đăng ký kinh doanh do cấp quận, huyện, thị xã quản lý. Điều đáng nói là còn một lượng lớn các cơ sở kinh doanh VTNN nhỏ lẻ trong khu dân cư, không có đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý.
Qua công tác thanh-kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT vẫn phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực này.
Đơn cử, đầu năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành Sở NNPTNT Hà Nội kiểm tra, phát hiện và bắt giữ lô hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cấm sử dụng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Đây là lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng bị bắt giữ đầu tiên trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, đoàn còn phát hiện một số loại thuốc ngoài danh mục thuốc BVTV được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, các chi cục trực thuộc Sở NNPTNT đã tiến hành các đợt thanh, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã phát hiện 74 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 11,6% số cơ sở được kiểm tra.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm, các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, xếp loại 507 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Kết quả có tới 127 cơ sở xếp loại C (chưa đạt), chiếm 25%. Theo lãnh đạo Sở NNPTNT, tỷ lệ cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh VTNN vẫn còn cao, trong khi đó chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong xử lý, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, cảnh cáo.
Nhiều bất cập trong quản lý
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay đa số cán bộ được phân công theo dõi quản lý chất lượng VTNN đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và có chuyên môn. Đặc biệt, ở các tuyến quận chỉ có cán bộ thú y, không có cán bộ BVTV nên khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cũng như sản phẩm trồng trọt.
Điều đáng nói, một số quận, huyện và đặc biệt là tuyến xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đến công tác quản lý chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, nhất là bố trí nhân lực và kinh phí dẫn tới kết quả đạt thấp, như Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Trì, Hoài Đức...
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, nhằm hạn chế các vi phạm, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố và ban hành văn trong lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ được phân công theo dõi quản lý nhà nước về chất lượng VTNN từ huyện tới cấp xã, phường, thị trấn và các chủ cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Bên cạnh đó, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN gắn với tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra của Sở NNPTNT tịch thu, tiêu hủy hơn 600 gói, chai lọ thuốc thú y đã hết hạn sử dụng; tịch thu 41 chai thuốc BVTV cấm, 400 gói thuốc ngoài danh mục và gần 900 chai, gói thuốc BVTV sai phạm về nhãn...
Có thể bạn quan tâm

Trong 8 tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam lên đến 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái

Thời điểm hiện nay, nông dân tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn) đang vào cuối vụ thu hoạch ớt, song khoảng 2 tuần nay giá ớt giảm từ 4.000 – 6.000 đ/kg so với đầu và giữa vụ.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành “Tiêu chuẩn chất lượng, bản đồ vùng sản xuất và kinh doanh hoa salem, ngàn sao, hồng môn, đồng tiền và lily, nâng tổng số loài hoa được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” lên 11 loại.

Mấy năm gần đây, cứ vào độ cuối tháng 6 âm lịch, người dân huyện Thới Bình (Cà Mau) lại bắt tay vào vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa. Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, tính đến thời điểm này toàn huyện đã xuống giống tôm càng xanh được hơn 1.500 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2013. Đây là năm có diện tích tăng nhiều nhất trong những năm qua.

Với 1 ha Lêkima cứ 7 ngày bà thu hoạch một lần, sản lượng đạt 200 – 600 kg/lần, lúc nhiều lên đến cả tấn. Lêkima loại 1 bán với giá 20.000 đ/kg, loại 2 giá 10.000 đ/kg. Mỗi năm, trừ chi phí cho thu nhập khoảng trên 300 triệu đ.