Quả Ngọt Trên Vùng Đất Chua

Trên đồng đất phèn nặng trồng lúa kém hiệu quả, tự dưng dân ấp 18 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) thấy hàng ngàn trụ bê tông (giá thể cho thanh long) xuất hiện. Có người xì xầm nói anh em Ba Phước bị đãng trí, đem tiền bỏ biển.
Cuối năm 2013 ấy, Ba Phước mang phần lớn thanh long biếu chòm xóm, ăn xong ai cũng trầm trồ khen ngon, ngọt như mật tràm U Minh. Ngoài thán phục, không ít nhà nông còn nhờ anh em Ba Phước chỉ dẫn cách làm…
Lấy đu đủ nuôi thanh long
Cách nay hơn 2 năm, anh Nguyễn Hữu Phước (thường gọi Ba Phước) nhận được cuộc gọi từ quê nhà của đứa em ruột (anh Nguyễn Thanh Hùng, Năm Hùng), nói muốn mở rộng quy mô trồng thanh long nhưng đất đai dưới quê ít quá. Vừa dành tiền tậu được hơn 5ha đất, lại đúng dự tính sản xuất của mình nên Ba Phước chớp liền thời cơ, nói muốn làm thì xuống đây nhưng chịu khó xa vợ xa con vì xứ này buồn hiu và nhiều muỗi.
Sau Tết Nhâm Thìn 2012, Năm Hùng lù lù xuống thiệt, anh em tay bắt mặt mừng rồi cùng mở trang trại thanh long. Để trồng được 5.000 bụi thanh long (3.000 bụi thanh long ruột đỏ) trên vùng đất trũng nặng phèn, anh em Ba Phước phải đầu tư nhiều vào khâu cải tạo đất và hệ thống tiêu thoát nước.
Số tiền dành dụm hàng chục năm trời của cả hai chẳng thấm vào đâu, phải vay mượn thêm của họ hàng thân tộc, cả thảy hơn 3 tỷ đồng. Cuối năm 2013, cây chưa đủ sức nên chỉ cho 200kg trái, toàn biếu ăn lấy thảo. Song nhờ tính toán từ trước nên Năm Hùng hiến kế trồng xen đu đủ. Nhờ đó thu được gần 500 triệu đồng tiền trái vào cuối năm, đủ cầm cự “qua mùa giáp hạt”.
Đu đủ tiếp tục cho trái và giúp Ba Phước thu về hàng trăm triệu đồng hồi đầu năm 2014 tới nay. Ngay khi vừa thu hoạch xong, đu đủ cũng bị triệt hạ nhường ánh sáng trời cho thanh long phát triển. Đu đủ làm tròn “sứ mệnh” cũng là lúc thanh long cho “trái giếng” sau hơn 16 tháng gieo trồng và tỉ mẩn chăm sóc.
Mời chúng tôi thưởng thức thanh long ruột đỏ ngay tại vườn, Ba Phước cho hay đầu mùa mưa tới giờ đã bẻ được đợt thứ 3, khoảng 5 tấn trái. “Mang đi chào hàng, thương lái ở chợ Cà Mau và trên Long An khen nức nở, nói ngon, ngọt còn hơn thanh long vùng chuyên canh lớn, có bao nhiêu họ cũng mua”, Ba Phước kể.
Trái ngọt quanh năm
Gia đình quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng gần 1ha đất chuyên thanh long nên khi có Năm Hùng tiếp sức, Ba Phước rất tự tin vì em mình hàng chục năm trong nghề, dày dạn kinh nghiệm. Năm Hùng biết rõ thanh long thích hợp ở vùng đất cao ráo, dễ thoát nước và không bị nhiễm phèn.
Chứng kiến đồng đất U Minh phèn nặng còn bị trũng nên Năm Hùng kêu nhân công kê liếp cao, trộn thêm mụn dừa (phân xơ dừa) để tạo thêm độ phì nhiêu cho đất.
Năm Hùng tiết lộ rằng, cây sẽ sai trái và năng suất cao từ năm thứ 3 đến năm thứ 7 (mỗi bụi thanh long ước từ 40 - 50kg trái mỗi năm), về sau năng suất giảm dần.
Tuy nhiên, thanh long ruột trắng chỉ cho trái từ đầu mùa mưa tới khoảng Tết Trung thu; còn thanh long ruột đỏ cho trái quanh năm nhưng tùy thời điểm sản lượng nhiều hay ít. Để 2 loại thanh long trên sai trái cả bốn mùa, tới đây anh em Năm Hùng đầu tư luôn hệ thống “xông đèn”.
“Với hệ thống xông đèn bài bản và chế độ chăm sóc hợp lý thì việc kích thích 2 loại thanh long đang trồng cho trái cả mùa thuận và mùa nghịch là trong tầm tay” - Năm Hùng quả quyết.
Chia sẻ thêm về vấn đề đầu ra cho thanh long, anh Ba Phước khẳng định rằng không lo bởi mối lái đã quen từ trước trên Long An, vấn đề là tạo ra được những trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để bán được giá cao.
Ba Phước kể rằng những năm đầu xa quê về U Minh Hạ trồng rừng, giữ rừng, anh rất nhớ nhà nên tìm giống thanh long trồng ở khu tập thể Lâm ngư trường Sông Trẹm cũ. Thấy đất phèn mà cây cũng xanh um và sai trái nên ý định sau này có đất sẽ trồng thanh long quy mô.
Mãi đến hơn 20 năm sau, mơ ước mới thành hiện thực nhờ giúp sức về mặt kỹ thuật của Năm Hùng. Anh Ba Phước thú thiệt: “Thanh long xuất khẩu được nên tính bền vững sẽ cao hơn. Với lại, nếu mình chuyên canh thành công, cư dân làm lúa kém hiệu quả ở U Minh cũng có thêm cơ hội tham khảo và chọn lựa trong sản xuất”.
Mưa chiều rơi nhẹ hạt ở ven rừng U Minh, anh em Ba Phước cặm cụi lựa mớ thanh long đạt chuẩn xuất khẩu chuẩn bị hôm sau mang đi tiêu thụ. Với 5.000 bụi thanh long, chỉ cần mỗi bụi cho 30kg trái mỗi năm (giá bình quân 20.000 đồng/kg), tới đây anh em Ba Phước sẽ thu về bộn tiền.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến thời điểm này, Co.op mart Đồng Tháp đi vào hoạt động được hơn 4 tháng nhưng trong số các mặt hàng được bày bán tại đây, người tiêu dùng vẫn khó tìm thấy những mặt hàng nông sản đặc trưng và có thương hiệu của Đồng Tháp.

Trong suốt một thời gian dài, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Đồng Tháp phát triển bền vững.

Ngày 24/4, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Hiệp hội Thủy sản, tính đến cuối năm 2014, vùng nuôi thủy sản tỉnh đạt 7.600ha, sản lượng 474.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 541 triệu USD (tăng 3,6 lần so với đầu nhiệm kỳ), sản phẩm cá tra có mặt gần 100 thị trường trên thế giới.

Vốn một thời hứng chịu cảnh tàn phá bởi “bom rơi đạn xới”, nhưng làng quê Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định sức sống mới ngay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

Hậu Giang hiện có trên 10.000ha cam sành, tập trung chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Tuy nhiên diện tích này bị thu hẹp từng ngày bởi dịch bệnh vàng lá gân xanh đang tàn phá nặng nề.