Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phước Sơn Phát Triển Các Mô Hình Trồng Cây Ăn Quả

Phước Sơn Phát Triển Các Mô Hình Trồng Cây Ăn Quả
Ngày đăng: 01/08/2014

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phước Sơn, nhiều hộ dân đã cải tạo đất vườn đồi để trồng các giống cây ăn quả mới dẫn nhập cho hiệu quả kinh tế cao.

Chính sách hỗ trợ

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, giai đoạn 2010-2014, ngành nông nghiệp huyện Phước Sơn đã dẫn nhập nhiều giống cây ăn quả chất lượng cao từ các nơi về Phước Sơn nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhiều loại cây vốn sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với địa bàn Phước Sơn như bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, chuối mốc, nhãn… được ngành nông nghiệp cấp giống cho nông dân trồng thực nghiệm.

Đặc biệt, từ năm 2011, ngành nông nghiệp Phước Sơn bắt đầu du nhập giống chuối tiêu hồng, hỗ trợ 500 hộ dân trên địa bàn các xã Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Đức, thị trấn Khâm Đức trồng trên diện tích 30ha. Riêng năm 2013, huyện tiếp tục hỗ trợ 50.000 cây giống cho số hộ trên mở rộng diện tích lên tới 100ha.

“Mục tiêu của huyện là biến Phước Sơn trở thành vùng chuyên canh cây chuối tiêu hồng của tỉnh. Cùng với đó, khâu mở rộng diện tích, quảng bá thương hiệu sản phẩm sẽ được chú trọng, giúp bà con yên tâm sản xuất” - ông Nguyễn Phiếm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết.

Cũng theo ông Phiếm, chuối tiêu hồng nếu được thâm canh, chăm sóc tốt, một buồng chuối trên thị trường có giá trị lên tới 200 nghìn đồng. Một số hộ bắt đầu có thu nhập khá từ cây chuối như hộ ông Hồ Văn Thêu (xã Phước Năng) trồng 100 gốc chuối tiêu hồng xen với bời lời đỏ, mỗi năm riêng nguồn thu từ chuối của gia đình gần 20 triệu đồng.

Ngoài sự hỗ trợ từ Chương trình 30a, dự án hỗ trợ giống cây ăn quả của tổ chức Tầm nhìn thế giới đã góp phần giúp đồng bào thị trấn Khâm Đức, xã Phước Năng và Phước Đức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn trong việc thực hiện dự án là tỷ lệ hộ dân có điều kiện tham gia dự án còn thấp.

Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các hộ dân còn chậm, khâu quản lý dịch hại và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt của đại bộ phận người dân còn thấp. Mặt khác, hộ tham gia dự án phần lớn là đồng bào thiểu số, tư tưởng ăn xổi ở thì, khâu chăm sóc thâm canh không tốt đã khiến cho nhiều vùng trồng cây ăn quả không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Cũng theo ông Phiếm, Phòng NN&PTNT đã đề xuất huyện quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng cây ăn quả, trong đó các giống cây chủ lực là bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, cam Vinh; đồng thời lựa chọn, khảo sát những hộ có đủ điều kiện tham gia mô hình để trồng thí điểm, khi thành công sẽ tạo điều kiện để bà con nhân rộng.

Làm giàu từ “miệt vườn”

Hưởng ứng phong trào cải tạo vườn đồi trọc để trồng cây ăn quả cải thiện thu nhập, tại Phước Sơn, một số mô hình trồng cây ăn quả theo kiểu tự phát đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Có hộ trồng xen bưởi Diễn, cam Vinh, cam Malaysia, vải thiều, hồng Đà Lạt... đem lại thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Cụ thể như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp kinh tế vườn rừng của ông Nguyễn Đức Thắng (khối 6, thị trấn Khâm Đức). Ngoài sở hữu 15ha keo lá tràm đang kỳ thu hoạch, ông Thắng còn là chủ nhân của “miệt vườn” trồng đủ loại cây ăn quả chất lượng cao được du nhập từ các tỉnh phía Bắc với số lượng cây trồng khoảng 400 gốc.

Diện tích vườn cây ăn quả của gia đình ông lên tới 1,5ha, trồng thanh long, vải thiều, bưởi Diễn, cam Vinh, cam Malaysia và hồng Đà Lạt. Hiện một số loài cây trong vườn ông bắt đầu cho quả đầu mùa.

“Để có được vườn cam sai quả như ngày hôm nay, từ năm 2006, tôi đã đánh liều phá bỏ vườn mít, chuối trên đồi và mua giống cam Vinh, cam Malaysia từ Viện Nghiên cứu cây trồng trung ương với giá 135 nghìn đồng/cây giống về trồng khảo nghiệm. Hiện tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và những lứa cam được mùa được giá khích lệ tôi rất nhiều” - ông Thắng chia sẻ.

Dù tuổi đã cao nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng (thị trấn Khâm Đức) không ngừng lao động, ngày đêm miệt mài tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả và trồng thành công cây cam Vinh, cam Malaysia trên đất khó. Giống cam Vinh và cam Malaysia  là những cây ăn quả tương đối phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện.

Sự thích nghi của cây cam được biểu hiện ở một số đặc trưng như cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ít sâu bệnh, quả to, mã đẹp, hương vị thơm ngon, sản lượng cao và tương đối ổn định. Nhờ được đầu tư thâm canh tốt nên vụ nào 2 giống cam này cũng cho sai quả, trọng lượng trung bình một quả cam đạt 0,8 - 1kg.

Từ năm 2009 đến nay, năng suất và sản lượng cam của gia đình ông Thắng cho thu hoạch năm sau luôn đạt cao hơn năm trước, sản lượng từ 4 tấn trở lên. Đặc biệt, vườn cam trải qua 4 lứa thu hoạch nhưng lứa cam nào cũng cho ông vụ mùa bội thu.

Dịp tết vừa qua, cam Vinh và Malaysia trên thị trường có giá 80 - 90 nghìn đồng/kg, với 4 tấn cam thu hoạch được, ông thu về gần 300 triệu đồng. “Thấy hiệu quả, tôi đã nhập thêm hơn 50 cây giống về tiếp tục trồng mở rộng diện tích” - ông Thắng nói.

Có thể thấy, tại Phước Sơn, mô hình trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi phát huy hiệu quả vẫn còn khá ít so với kỳ vọng, song đó là những hạt nhân điển hình xứng đáng để học tập, nhân rộng.


Có thể bạn quan tâm

Vicofa Hỗ Trợ Giống Cây Cà Phê Cho Các Tỉnh Tây Nguyên Vicofa Hỗ Trợ Giống Cây Cà Phê Cho Các Tỉnh Tây Nguyên

Theo đó, Sở NN–PTNT Dak Lak được hỗ trợ 75.400 cây, Lâm Đồng: 70.000 cây, Dak Nông: 50.000 cây, Gia Lai: 50.000 cây, Kon Tum: 10.000 cây, Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi (Dak Lak): 20.600 cây, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (Dak Lak): 20.000 cây. Số lượng cây giống này gồm 3 loại: cà phê mít ghép, cà phê vối ghép và cà phê thực sinh do Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp Eakmat cung cấp vào tháng 7/2012. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: số cà phê giống này phục vụ cho việc tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc triển khai việc tái canh đạt hiệu quả.

01/06/2012
Tiền Giang: Nhiều Diện Tích Lúa ĐX Thiệt Hại Tiền Giang: Nhiều Diện Tích Lúa ĐX Thiệt Hại

Chỉ sau một cơn mưa trái mùa, nhiều diện tích lúa ĐX ở các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.

13/03/2012
Chủ Động Thực Hiện Quyết Định 673 Chủ Động Thực Hiện Quyết Định 673

Ngày 18.6, tại TP. Bắc Ninh, T.Ư Hội NDVN tổ chức hội nghị giao ban Công tác hội và phong trào ND khu vực đồng bằng sông Hồng 6 tháng đầu năm 2012. Phó Chủ tịch T.Ư Hội Lều Vũ Điều chủ trì hội nghị.

19/06/2012
Mô Hình Nuôi Cua Xanh Sinh Sản Nhân Tạo Mô Hình Nuôi Cua Xanh Sinh Sản Nhân Tạo

Nước trong ao được bơm cạn dần, cua trú ngụ trong những bó chà, bò ra ngoài và được bắt lên bằng vợt lưới. Con nào con ấy bằng bàn tay, màu nâu xám, đôi càng to bằng ngón tay cái. Để lên bàn cân, trung bình 400 g/con. Thử nghiệm nuôi cua xanh từ nguồn giống sinh sản nhân tạo tại Bình Định trong 3 tháng 20 ngày đã đạt hiệu quả như vậy.

02/06/2012
Mô Hình Nuôi Gà Nòi Lai Thả Vườn Mô Hình Nuôi Gà Nòi Lai Thả Vườn

Là một trưởng ấp năng nổ nhiệt tình, được nhân dân tín nhiệm trong 2 nhiệm kỳ, ông Nguyễn Văn Tạo ấp Sơn Phụng xã Sơn Định huyện Chợ Lách còn được nông dân trong và ngoài ấp biết đến bởi bản chất cần cù, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình, trong đó có mô hình nuôi gà nòi lai thả vườn.

23/12/2011