Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phước Hậu Đi Đầu Trong Đổi Mới Sản Xuất Nông Nghiệp

Phước Hậu Đi Đầu Trong Đổi Mới Sản Xuất Nông Nghiệp
Ngày đăng: 18/06/2014

Dù không phải là điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhưng trong những năm qua với những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, Phước Hậu (Ninh Phước) luôn cho bài học kinh nghiệm quý về sự đổi mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đến đây, có thể nhìn thấy những công trình xây mới khang trang, bề thế, đặc biệt ấn tượng hơn cả chính là kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh.

Hiệu quả kinh tế của cây táo góp phần nâng cao đời sống nông dân xã Phước Hậu.

Ngoài trục đường chính dài 11 km được nhà nước quan tâm đầu tư nhựa hóa đi qua 4 thôn, Phước Hậu còn vận động nhân dân thực hiện bê-tông hóa 7 km đường giao thông nội thôn khắp 7 thôn trong xã. Đặc biệt trong 3 tháng cuối năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ xi-măng và nhân dân đóng góp 900 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động, Phước Hậu đã triển khai thi công 10,5 km đường giao thông nội đồng (12 tuyến khắp vùng sản xuất 7 thôn).

Đồng chí Võ Thành Đảo, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu khẳng định: “Chính hệ thống đường giao thông nông thôn là hình ảnh đổi mới rõ nét của Phước Hậu. Từ đường giao thông kiên cố hóa, xã đã đi đầu trong nhiều lĩnh vực canh tác mà nổi bật là việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp”.

Theo thống kê của UBND xã Phước Hậu, hiện toàn xã có 114 máy cày các loại, 15 máy gặt đập liên hợp và 6 xe tải nhỏ chuyên vận chuyển nông sản. Nhiều nông dân ở thôn Hiếu Lễ cho rằng nhờ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch đã nâng năng suất lúa bình quân lên gần 6 tấn/ha, hạn chế được sâu bệnh và tiết kiệm đáng kể chi phí.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng các mô hình mới đã phát huy tiềm năng của các cánh đồng lúa, đặc biệt mô hình liên kết sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 80 ha đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm. Riêng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa (diện tích gần 100 ha) với phương thức gieo sạ hàng đã tăng lợi nhuận hơn 2,8 triệu đồng/ha.

Những năm gần đây, cây táo được coi là cây trồng rất thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Phước Hậu được nông dân trồng với diện tích 150 ha, đạt năng suất trung bình 40 tấn/ha/vụ. Để khai thác thế mạnh này, Phước Hậu chủ trương đầu tư công nghệ sản xuất sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu táo địa phương.

Ngoài ra, thực hiện khôi phục nghề trồng nho, đến nay Phước Hậu đã nâng diện tích lên trên 50 ha nho tập trung tại các thôn Trường Sanh, Trường Thọ và Hoài Nhơn. Điều đáng nói là người trồng nho đang chuyển hướng thay đổi giống nho đỏ thoái hóa bằng giống nho xanh NH 01-48, với năng suất trung bình 10 tấn/ha/vụ, có hộ như ông Lâm Ngọc trồng hơn 5 sào đã bán được 850 triệu đồng trong vụ đông- xuân mới đây. Hiện Phước Hậu đang dành diện tích 1,5 sào thí điểm mô hình trồng nho giống NH 01-48 theo hướng VietGAP.

Trong chăn nuôi, xã cũng đã xuất hiện phương thức làm ăn mới như mô hình vỗ béo dê, cừu kết hợp trồng táo với khoảng 600 hộ nuôi quy mô 10-20 con/hộ. Đặc biệt là xu hướng nuôi giống dê lai Bachboer với quy mô 4.000 con/118 hộ, qua hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, Phước Hậu đang hướng tới tạo dựng thương hiệu cho giống dê lai siêu thịt này.

Triển khai xây dựng nông thôn mới trong năm nay, Phước Hậu xác định tiếp tục bứt phá từ nông nghiệp, trong đó chủ yếu là tăng thêm diện tích lúa giống, nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, chuyển đổi một số cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao, đặc biệt là ổn định diện tích cây nho để đến năm 2015 đạt 125 ha.

Lấy nông nghiệp làm nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh, Phước Hậu hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, phấn đấu bình quân thu nhập đầu người đạt 20 triệu đồng vào năm 2015.


Có thể bạn quan tâm

Rắn Hổ Hèo – Đối Tượng Nuôi Mới Của Nhà Nông Rắn Hổ Hèo – Đối Tượng Nuôi Mới Của Nhà Nông

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau), nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.

25/06/2013
Xây Dựng Thương Hiệu Chè Sạch Hà Nội Xây Dựng Thương Hiệu Chè Sạch Hà Nội

Từ lâu, cây chè đã được các xã miền núi của Hà Nội chọn làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là các giống chè cũ… nên hiệu quả kinh tế thấp.

25/06/2013
Khó Xác Định Mức Độ Thiệt Hại Do Sử Dụng Giống Bắp NK-67 Khó Xác Định Mức Độ Thiệt Hại Do Sử Dụng Giống Bắp NK-67

Nông dân các huyện trong tỉnh Đồng Nai khốn đốn khi sử dụng giống bắp NK-67 - lai đơn F1 có nguồn gốc từ Indonesia do Công ty Syngenta nhập khẩu và phân phối, có hiện tượng cây phát triển không đều, gây mất năng suất. Riêng tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), nông dân cũng đang rất lo lắng vì đã lỡ sử dụng hàng trăm kg giống bắp NK-67 gieo trồng cho vụ hè - thu này.

25/06/2013
Dưa Bở - Đặc Sản Phố Biển Cửa Lò (Nghệ An) Dưa Bở - Đặc Sản Phố Biển Cửa Lò (Nghệ An)

Về Nghi Hương -Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) mùa này nhìn những cánh đồng dưa xanh ngút ngát, chạy dài ven chân những đầm sen, cái oi bức của ngày hè như dịu lại.

25/06/2013
Trồng Ớt Hiệu Quả Trên Đất Lúa Trồng Ớt Hiệu Quả Trên Đất Lúa

Những năm gần đây, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống ruộng lúa, nông dân nhiều nơi từ Bắc vào Nam đã đưa cây ớt vào trồng mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa gấp 3 - 5 lần.

25/06/2013