Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Dự án được Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TCTS-NTTS ngày 27/6/2012 với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm. Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng là đối tác thi công và thực hiện Dự án với Viện nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), triển khai xây dựng hệ thống bể nuôi bào ngư và các hạng mục công trình khác.
Bào ngư Bạch Long Vĩ nổi tiếng từ lâu và được coi là sản vật đặc trưng của huyện đảo. Vì vậy, mục tiêu cụ thể của dự án hướng đến là hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo bào ngư 9 lỗ đạt tỷ lệ sống ổn định. Hàng năm sản xuất và cung cấp khoảng 100.000 con giống đạt kích thước vỏ lớn hơn 4mm; hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi vỗ tạo đàn bào ngư bố mẹ thuần chủng...
Theo Viện Nghiên cứu hải sản, Việt Nam hiện có khoảng 8 loài bào ngư thuộc giống Haliotis. Nhưng trong đó chỉ có loài bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao nhất, vừa là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, vừa là vị thuốc tự nhiên quý hiếm.
Loài bào ngư này phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, song qua ghi nhận, chỉ có đảo Bạch Long Vĩ là tập trung nhiều nhất, do Bạch Long Vĩ là một đảo nằm ở vịnh Bắc Bộ rất xa đất liền, độ mặn ổn định, môi trường nước trong sạch, cấu trúc nền đáy bãi triều dạng vỉa đá, xếp tầng tầng xen kẽ nhau, tạo nơi cư trú thuận lợi cho bào ngư sinh sống.
Tháng 6/2013, Trại sản xuất giống bào ngư tiến hành thả nuôi hơn 20 kg bào ngư bố, mẹ đầu tiên. Nhờ huy động mọi nguồn lực, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong nuôi bào ngư giống, đến nay, dự án đã sản xuất thành công 125.611 con giống bào ngư chín lỗ đạt kích cỡ 0,9-1,3cm.
Nguồn giống này sẽ phục vụ cho công tác nuôi thương phẩm và thả giống bảo tồn tái tạo nguồn lợi tự nhiên.
Đây là cơ sở khoa học quan trọng cho việc mở rộng các mô hình nuôi thương phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bào ngư trong nước và quốc tế, giúp xây dựng thương hiệu bào ngư Bạch Long Vĩ khi có đủ khả năng cung cấp bào ngư thương phẩm trong thời gian tới.
Ông Hoàng Đình Chiều, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, hiện nay số lượng bào ngư giống trong nước sản xuất hàng năm chỉ đáp ứng được dưới 0,15% nhu cầu, trong khi việc nhập khẩu lại tốn kém vì giá thành rất cao. Do vậy, việc “làm chủ” con giống là một việc rất cần thiết, không những cung cấp nguồn giống tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo nguồn giống bào ngư cung cấp cho các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, song song với việc sản xuất, cung cấp giống, huyện đảo đã phát triển được 200 ha mặt nước ở vùng 6m nước quanh đảo phục vụ nuôi bào ngư (nâng diện tích nuôi bào ngư trên cả nước lên 350 ha) cho 40 hộ dân trông coi bảo vệ và khai thác.
Ước tính, thu nhập bước đầu của mỗi hộ khoảng 35 triệu đồng/năm. Đây là kết quả khả quan, đem lại niềm tin trong phát triển nuôi bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ.
Ông Bùi Đức Quang, đại diện UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ nhấn mạnh, Bạch Long Vĩ đang hướng tới mục tiêu mỗi năm sản xuất và cung cấp hơn 100.000 con giống bào ngư chín lỗ cho cư dân địa phương nuôi thương phẩm hay thả nuôi tái tạo nguồn lợi tại đảo Bạch Long Vĩ.
Đồng thời, sẽ tiến hành các biện pháp quản lý nguồn lợi, giới thiệu trên các kênh truyền thông... để bào ngư Bạch Long Vĩ ngày càng được nhiều người biết đến và dần trở thành biểu tượng cho phát triển kinh tế của huyện đảo.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nhiều nông dân xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn 5 tháng triển khai nuôi thử nghiệm, chiều 3/11, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) triển khai nghiệm thu và đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá lóc và cá thát lát tại xã Thủy Tân và phường Thủy Lương.

Vừa qua, đoàn liên ngành tỉnh Đồng Tháp gồm Sở Tài Nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy sản và Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 15 đã đến khảo sát thực tế vùng quy hoạch mở rộng khu vực nuôi cá lồng bè tại huyện Châu Thành.

Bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương (CNĐD) do nhóm nghiên cứu đề tài: “Cải thiện chất lượng cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định” thuộc Sở NN-PTNT nghiên cứu, chế tạo đã được ngư dân xã Tam Quan Bắc áp dụng vào thực tế, bước đầu đạt hiệu quả khả quan.

Trong những năm qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện Bình Đại phát triển rất nhanh, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn và từng bước làm giàu cho địa phương.