Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm

Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm
Ngày đăng: 21/07/2014

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Dự án được Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TCTS-NTTS ngày 27/6/2012 với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm. Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng là đối tác thi công và thực hiện Dự án với Viện nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), triển khai xây dựng hệ thống bể nuôi bào ngư và các hạng mục công trình khác.

Bào ngư Bạch Long Vĩ nổi tiếng từ lâu và được coi là sản vật đặc trưng của huyện đảo. Vì vậy, mục tiêu cụ thể của dự án hướng đến là hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo bào ngư 9 lỗ đạt tỷ lệ sống ổn định. Hàng năm sản xuất và cung cấp khoảng 100.000 con giống đạt kích thước vỏ lớn hơn 4mm; hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi vỗ tạo đàn bào ngư bố mẹ thuần chủng...

Theo Viện Nghiên cứu hải sản, Việt Nam hiện có khoảng 8 loài bào ngư thuộc giống Haliotis. Nhưng trong đó chỉ có loài bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao nhất, vừa là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, vừa là vị thuốc tự nhiên quý hiếm.

Loài bào ngư này phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, song qua ghi nhận, chỉ có đảo Bạch Long Vĩ là tập trung nhiều nhất, do Bạch Long Vĩ là một đảo nằm ở vịnh Bắc Bộ rất xa đất liền, độ mặn ổn định, môi trường nước trong sạch, cấu trúc nền đáy bãi triều dạng vỉa đá, xếp tầng tầng xen kẽ nhau, tạo nơi cư trú thuận lợi cho bào ngư sinh sống.

Tháng 6/2013, Trại sản xuất giống bào ngư tiến hành thả nuôi hơn 20 kg bào ngư bố, mẹ đầu tiên. Nhờ huy động mọi nguồn lực, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong nuôi bào ngư giống, đến nay, dự án đã sản xuất thành công 125.611 con giống bào ngư chín lỗ đạt kích cỡ 0,9-1,3cm.

Nguồn giống này sẽ phục vụ cho công tác nuôi thương phẩm và thả giống bảo tồn tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

Đây là cơ sở khoa học quan trọng cho việc mở rộng các mô hình nuôi thương phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bào ngư trong nước và quốc tế, giúp xây dựng thương hiệu bào ngư Bạch Long Vĩ khi có đủ khả năng cung cấp bào ngư thương phẩm trong thời gian tới.

Ông Hoàng Đình Chiều, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, hiện nay số lượng bào ngư giống trong nước sản xuất hàng năm chỉ đáp ứng được dưới 0,15% nhu cầu, trong khi việc nhập khẩu lại tốn kém vì giá thành rất cao. Do vậy, việc “làm chủ” con giống là một việc rất cần thiết, không những cung cấp nguồn giống tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo nguồn giống bào ngư cung cấp cho các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, song song với việc sản xuất, cung cấp giống, huyện đảo đã phát triển được 200 ha mặt nước ở vùng 6m nước quanh đảo phục vụ nuôi bào ngư (nâng diện tích nuôi bào ngư trên cả nước lên 350 ha) cho 40 hộ dân trông coi bảo vệ và khai thác.

Ước tính, thu nhập bước đầu của mỗi hộ khoảng 35 triệu đồng/năm. Đây là kết quả khả quan, đem lại niềm tin trong phát triển nuôi bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ.

Ông Bùi Đức Quang, đại diện UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ nhấn mạnh, Bạch Long Vĩ đang hướng tới mục tiêu mỗi năm sản xuất và cung cấp hơn 100.000 con giống bào ngư chín lỗ cho cư dân địa phương nuôi thương phẩm hay thả nuôi tái tạo nguồn lợi tại đảo Bạch Long Vĩ.

Đồng thời, sẽ tiến hành các biện pháp quản lý nguồn lợi, giới thiệu trên các kênh truyền thông... để bào ngư Bạch Long Vĩ ngày càng được nhiều người biết đến và dần trở thành biểu tượng cho phát triển kinh tế của huyện đảo.


Có thể bạn quan tâm

Vì sao nông sản địa phương khó vào siêu thị Vì sao nông sản địa phương khó vào siêu thị

Tính đến thời điểm này, Co.op mart Đồng Tháp đi vào hoạt động được hơn 4 tháng nhưng trong số các mặt hàng được bày bán tại đây, người tiêu dùng vẫn khó tìm thấy những mặt hàng nông sản đặc trưng và có thương hiệu của Đồng Tháp.

04/05/2015
Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Trong suốt một thời gian dài, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Đồng Tháp phát triển bền vững.

04/05/2015
Phát triển ngành thủy sản theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các khâu Phát triển ngành thủy sản theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các khâu

Ngày 24/4, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo Hiệp hội Thủy sản, tính đến cuối năm 2014, vùng nuôi thủy sản tỉnh đạt 7.600ha, sản lượng 474.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 541 triệu USD (tăng 3,6 lần so với đầu nhiệm kỳ), sản phẩm cá tra có mặt gần 100 thị trường trên thế giới.

04/05/2015
Sức sống mới trên vùng căn cứ năm xưa Sức sống mới trên vùng căn cứ năm xưa

Vốn một thời hứng chịu cảnh tàn phá bởi “bom rơi đạn xới”, nhưng làng quê Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định sức sống mới ngay trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

04/05/2015
Ồ ạt chặt bỏ cam sành Ồ ạt chặt bỏ cam sành

Hậu Giang hiện có trên 10.000ha cam sành, tập trung chủ yếu ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Tuy nhiên diện tích này bị thu hẹp từng ngày bởi dịch bệnh vàng lá gân xanh đang tàn phá nặng nề.

04/05/2015