Phúc Hòa nhộn nhịp mùa vải ngọt

Những ngày cuối tháng 5 này, dù chưa bước vào thu hoạch vải sớm tập trung, song Phúc Hòa dường như tấp nập hơn bởi không khí nhộn nhịp người mua, bán. Suốt dọc đường từ thị trấn Cao Thượng vào xã, bất chấp cái nắng đầu hè oi bức, dòng người cùng những thùng, sọt chất đầy vải chín đổ về các điểm thu mua.
Trên các trục đường chính, trong từng con ngõ nhỏ, đâu đâu cũng xôn xao tiếng nói, tiếng cười khi vải thiều cho trái ngọt. Vừa nhanh tay thu hái 5 tạ vải cho khách hàng từ Hà Nội đặt, anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du phấn khởi: “Trung tuần tháng 5, các tư thương ở khắp nơi như: TP Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn đã điện về đặt hàng tại vườn. Giá hiện nay đang ổn định ở mức 28 - 30 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 3 - 5 nghìn đồng/kg so năm trước khiến người trồng vải yên tâm sản xuất”.
Cũng theo anh Cường, sau gần chục ngày thu hái, gia đình anh đã bán được hơn 3 tấn quả. Ước tính vụ này với 400 cây vải cho thu hoạch sẽ mang lại cho gia đình anh trên dưới 10 tấn quả, thu khoảng 300 triệu đồng.
Cùng với gia đình anh Cường, hiện nay bà con các thôn Lân Thịnh, Vối, Cạng, Am, Phúc Lễ…cũng đang bước vào thu hoạch vải sớm trà đầu.
“Tiếng thơm” vải sớm Phúc Hòa vang xa, cách đây chừng chục ngày, tư thương các nơi đã về đây lập những mỏ cân để gom hàng. Chị Trần Thị Dung ở Lạng Sơn - chủ một điểm cân cho biết: “Mặc dù nhiều nơi có vải sớm, nhưng từ nhiều năm nay tôi vẫn về Phúc Hòa để thu mua vải. Tôi thấy chất lượng vải ở nơi đây cao hơn hẳn các nơi khác, mẫu mã đẹp, ăn ngọt hơn, nên được thị trường rất ưa chuộng. Thời điểm này mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 2 - 3 tấn vải, sau đó vải được ướp đá, đóng vào thùng xốp và mang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội”.
Cũng theo chị Dung, vải ở Phúc Hòa không chỉ thơm ngon, mẫu mã đẹp, hợp với thị trường tiêu thụ, mà giá mua vào cũng phải chăng và ổn định, khiến các thương lái rất yên tâm thu mua.
Theo thống kê, toàn xã có hơn 70 địa điểm thu mua vải lớn nhỏ, nằm ở trục đường và rải rác khắp trong khu dân cư. Ngoài ra, mỗi ngày còn có nhiều thương lái từ khắp nơi đến tận vườn để thu mua vải của người dân. Năm nay do thời tiết có nhiều bất lợi, khiến sản lượng vải sớm của địa phương giảm hơn các năm trước, nhưng với một thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều năm, Phúc Hòa vẫn là một địa chỉ tin cậy để các bạn hàng từ khắp nơi tìm đến trong mùa thu hoạch vải sớm này.
Ông Trần Đức Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Do hợp với thổ nhưỡng, vải sớm ở Phúc Hòa có mẫu mã chất lượng cao hơn hẳn các nơi khác, đặc biệt là vùng vải sớm ở các thôn: Quất Du, Thái Hòa, Lân Thịnh…Dù mới đầu vụ song việc tiêu thụ diễn ra khá thuận lợi và hy vọng sẽ tạo được sự đột biến khi vải sớm thu hoạch tập trung”. Theo những người trồng vải ở đây thì cho dù giá vải cao hay thấp, sản lượng ít hay nhiều thì vải Phúc Hòa chín đến đâu có thương lái đến thu mua ngay đến đó, ít gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, vụ vải thiều năm nay, toàn xã Phúc Hòa có khoảng 410 ha, trong đó có 60ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap cho thu hoạch với sản lượng ước đạt khoảng 3 nghìn tấn. Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải của địa phương, Phúc Hòa đã quy hoạch được bãi đỗ xe rộng rãi để tư thương đến gom hàng.
Cùng đó, ngay từ đầu vụ, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người sản xuất chăm bón, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm quả vải. Yêu cầu các hộ đặt địa điểm thu mua vải phải có đơn đăng ký với UBND xã, có biển báo hiệu để người tham gia giao thông nhận biết một các dễ dàng, không được để hàng hóa, phương tiện lấn chiếm lòng, lề đường cản trở giao thông, đồng thời phải tổ chức thu dọn trả lại mặt bằng ngay sau mùa thu hoạch kết thúc. Các loại phương tiện chờ lên xuống hàng hóa phải đưa về tập kết tại điểm đỗ xe của xã.
Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân chỉ bán vải khi đã đủ độ chín, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ thu mua vải phải ứng xử có văn hóa, đánh giá đúng chất lượng, giá cả hợp lý trên cơ sở thị trường, không làm sai lệch dụng cụ đo lường; không đưa sản phẩm vải quả từ nơi khác về địa bàn tiêu thụ. Với những cách làm trên, Phúc Hòa đã ngày càng khẳng định được thương hiệu vải sớm của mình, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, qua đó từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Từ hiệu quả của cây vải sớm, giai đoạn 2015 - 2020 xã sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng thêm 100ha trồng những chân ruộng cao. Cùng đó, chú trọng chất lượng tăng diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap lên 100ha". Ông Trần Đức Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa.
Có thể bạn quan tâm

Tuy nhiên, để giúp người dân bám trụ với con cá rô đầu vuông, bên cạnh việc phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn nguồn gien, Hậu Giang cần phải tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu ra và cần có sự chung tay của các ngân hàng hỗ trợ người dân nguồn vốn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, đưa loại thủy sản này tìm lại chỗ đứng vốn có trên thị trường.

"Năm nay, bà con nông dân đã có chuẩn bị tốt, nghiên cứu kỹ thị trường để tái đàn, tăng đàn hợp lý, tránh tình trạng thiếu - thừa làm cho giá bấp bênh, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Giá các sản phẩm chăn nuôi hiện nay ở cả 3 miền cũng không có sự chênh lệch lớn." - Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT

Vì là huyện miền núi, nên đàn ong mật tận dụng được nguồn mật từ phấn hoa của các loại cây lâm sản và cây ăn quả dồi dào, đa dạng trên địa bàn, bởi vậy đàn ong mật phát triển tốt, cho lượng mật cao, chất lượng tốt. Theo tính toán của các hộ dân, nếu nuôi 100 đàn ong lấy mật, mỗi năm có thể thu về 60 - 80 triệu đồng.

Cùng là nghề chăn nuôi, đầu tư vốn không lớn và thị trường tiêu thụ khá ổn định, trong khi đó hiệu quả lại cao hơn gấp 2 lần so với nuôi vịt thường. Đó là mô hình chăn nuôi vịt trời mà gia đình ông Trần Đình Tập, thôn Tân Hương, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thực hiện từ hơn một năm nay.

Sáng 16-12, tại xóm Phẩm 2, UBND xã Dương Thành (Phú Bình - Thái Nguyên) đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận và cắt băng khánh thành cổng Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa làng Phẩm. Đến dự có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.