Phú Yên Nuôi Trâu, Bò Lai Thu Lãi Cao

Hiện nay các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu, các cánh đồng bỏ hoang chờ gối vụ, rất thuận lợi cho việc thả trâu không chăn giữ. Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa mưa nên cũng rất thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò lai.
Nuôi trâu không chăn dắt
Sáng, ông Bùi Văn Long ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), lùa bầy trâu 6 con ra đồng thả ăn rồi về tranh thủ cuốc đất quanh vườn nhà trồng rau cà, mướp, bí. Ông Long cho hay: “Nuôi trâu mùa này “sướng” lắm. Cánh đồng trước nhà rộng mênh mông, sau khi thu hoạch lúa hè thu bỏ không, gốc rạ nứt lên lúa rài (lúa tái sinh) nên sáng chỉ việc thả trâu ra cánh đồng trước nhà rồi về làm công việc gia đình.
Trâu ăn lúa rài no rồi lăn ra đó tắm bùn, chiều tối ra lùa về nhốt. Còn những tháng trước đây, khi cánh đồng bước vào mùa vụ phải lùa trâu vào trong núi thả ăn lá cây rừng, bờ bụi. Tuy nhiên, lá cây bị khô hạn khan hiếm nên trâu ăn không no, chiều tối về cho ăn xen với rơm khô, trâu mới có sức”.
Nuôi trâu mang lại thu nhập cao nên nhiều người gắng sức nuôi “đầu cơ nghiệp” kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Ông Nguyễn Chốn (76 tuổi) ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), đang thả bầy trâu 8 con trên cánh đồng. Ông Chốn nhẩm tính: Giá trâu thịt tăng cao, trâu nghé cao trên 1m bán 20 triệu đồng, một năm trung bình ông bán 4 con trâu con, bỏ túi 80 triệu đồng.
“Tôi lùa trâu ra đồng, dùng dây cột con trâu đực to nhất trong bầy sợ nó “ức” cái đi theo bầy khác, số còn lại gồm trâu cái và trâu nghé thả rông rồi về nhà nghỉ. Còn qua những tháng khác, đi chăn trâu đèo bên hông gói cơm với chai nước, trâu đi ăn đến đâu tôi theo đến đó”, ông Chốn nói.
Còn bà Bùi Thị Lan ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) nuôi 10 con trâu, hai mẹ con thay nhau chăn dắt cho đỡ tốn công, thế nhưng mùa này chỉ cần thả trâu ra đồng, không phải theo sát bầy trâu. Bà Lan cười, nói: “Con trai tôi tiếng nuôi trâu nhưng cả tháng nay đâu có ra đồng chăn trâu ngày nào. Giá trâu thịt tăng cao nên mọi sinh hoạt học hành của con cái, nhà cửa, phương tiện đi lại, tất cả đều dựa vào nguồn thu từ bán trâu”.
Bò vàng sinh sản bò lai
Bò vàng Phú Yên từng được mệnh danh là giống bò tốt, lông màu vàng tươi, dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện chăn nuôi kham khổ, sinh sản dày. Giống bò vàng này lai tạo với bò lai sind cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Phi Long ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: “Tôi nuôi 3 con bò cái giống bò vàng Phú Yên, loại bò này đẻ năm một (1 năm sinh sản 1 con), đem phối giống với bò lai sind, mỗi năm sinh sản ra 3 con bê. Sau một thời gian ngắn, bê con cao gần 1m bán với giá 15 triệu đồng/con.
Như vậy, gia đình thu nhập 45 triệu đồng/năm”. Cũng theo ông Long, giống bò vàng Phú Yên lai tạo với bò lai sind sinh sản ra bê con, trong quá trình nuôi rất thích nghi với các loại cỏ thông thường, không đòi hỏi cám gạo như các loại bò lai khác. Ngoại hình đẹp, cân đối, to cao, tỉ lệ thịt xẻ cao nên nông dân rất ưa chuộng mua về để nuôi bò thịt.
Ông Lê Đức Đồng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), mua con bê từ giống bò vàng lai tạo với bò lai sind với giá 17 triệu đồng, sau khi nuôi một năm rưỡi, thương lái đến trả 34 triệu đồng, nhưng ông không bán. “Con bò lai nếu nuôi đúng sức cỡ 2 tháng nữa, bán với giá 40 triệu đồng.
Với sức dày ăn của loại bò này, chỉ cần buổi sáng bỏ ra 15 phút cắt cỏ voi trồng trước nhà là đủ thức ăn cho bò cả ngày” - ông Đồng nói.
Theo nhiều nông dân, với cách lai tạo từ bò cái vàng với bò lai sind sinh sản ra bê con dù đực hay cái sau một thời gian nuôi vẫn lãi cao vì trọng lượng cơ phát triển nhanh. Theo ông Võ Dư Doãn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Hòa, cho biết: Cùng một độ tuổi nhưng giá trị bò lai luôn cao hơn bò cỏ gấp 1,5 đến 2 lần.
Cụ thể, tại thời điểm hiện nay, một con bò cái cỏ có giá khoảng 15 đến 20 triệu đồng, trong khi đó một con bò cái lai bình thường cũng có giá từ 30 đến 40 triệu đồng.
Nuôi bò lai thu nhập cao, nhiều hộ nhờ chăn nuôi thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định, vì vậy tỉ lệ bò lai của các địa phương không ngừng được tăng lên qua mỗi năm. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, tổng đàn của huyện là 22.605 con, bò lai chiếm 84%, trước đó năm 2010 tỉ lệ bò lai chỉ chiếm 72,5%.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay đàn bò toàn tỉnh là 25.650 con, trong đó đàn bò lai chiếm 71% so với tổng đàn; đàn trâu 680 con. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung.
Đối với các xã miền núi, kết hợp trồng cỏ nuôi bò; vùng đồng bằng nuôi trâu; trong đó chú trọng phát triển đàn bò lai, nâng trọng lượng xuất chuồng, vận động nhân dân chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đồng thời kiểm soát dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm

Giai đoạn từ những năm 1990 về trước trên đồi Phú Thọ bát ngát đâu đâu cũng là sắn, sắn là nguồn lương thực chủ yếu không chỉ cho người mà còn chăn nuôi, có năm diện tích lên tới đến 55-60 ngàn ha, sản lượng lên tới hàng chục vạn tấn củ tươi.

Trước tình hình đó, để đảm bảo vụ xuân đạt kết quả cao, huyện Thanh Sơn đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất, phân công cán bộ bám sát, chỉ đạo đến từng xã để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đề xuất những giải pháp giải quyết, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, phòng chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương làm dầm với diện tích đất trũng và cày ải đối với diện tích không trồng cây vụ đông.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết vụ Chiêm xuân năm 2014 - 2015, đặc biệt theo dự báo là vụ đông xuân ấm, nếu không chỉ đạo quyết liệt về thời vụ để xảy ra tình trạng gieo cấy các giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn trước khung lịch thời vụ dẫn đến lúa trỗ sớm, gặp rét muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.

Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.