Phú Yên: Người Mê Tôm Hùm

Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 20 năm với bao thăng trầm, nay đã trở thành tỷ phú.
Năm 1996, khi mới lập gia đình, thấy nhiều hộ trong thôn nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, ông Nhơn nuôi thử và thu được kết quả tốt. Từ đó ông cùng gia đình đầu tư lồng thả nuôi 800 con tôm hùm, qua 18 tháng nuôi, từ chi phí thu lãi được 320 triệu đồng, ông được chia lãi 80 triệu.
Năm 2000, ông vay mượn thêm vốn của bạn bè đầu tư 57 lồng chìm thả sát đáy, nuôi 3.400 con tôm hùm, nhưng không may bị bão phá hủy toàn bộ, vợ chồng ông lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, ông đành chuyển sang làm thợ tiện, thợ sửa máy nổ để mưu sinh và lo cho các con ăn học.
Làm việc trên bờ gần 4 năm, vợ chồng ông tích lũy được một số vốn, năm 2005 ông Nhơn quyết định trở lại với nghề nuôi tôm hùm. Với số vốn ít ỏi mà vợ chồng tích góp được, ông vay mượn thêm vốn của bạn bè, người thân và Ngân hàng NN-PTNT tỉnh để tái nuôi tôm hùm.
Rút kinh nghiệm sau đợt bão, ông đầu tư 17 lồng bè, nuôi 1.020 con tôm hùm tại vùng nuôi thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương (vịnh Xuân Đài), TX Sông Cầu để dễ dàng di chuyển tránh bão lũ và điều chỉnh độ sâu lồng nuôi cho thích hợp khi môi trường, thời tiết thay đổi.
Năm 2006, ông thu hoạch, xuất bán; trừ chi phí và thu lãi được 200 triệu đồng. Nhờ đó mà có tiền trả bớt nợ và tiếp tục đầu tư mở rộng SX với quy mô lớn hơn. Sau đó ông đầu tư tiếp 150 lồng nuôi 9.000 con tôm hùm. Cuối năm 2009, cơn lũ lịch sử đã gây thiệt hại cho đại đa số bà con nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, nhưng riêng ông thì không bị thiệt hại mà còn thu lãi lớn, gần 2,2 tỷ đồng.
Nhờ đó mà ông đã trả được hết nợ nần, mua đất cất nhà, sắm sanh đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và cho các con vào TP HCM ăn học. Đầu năm 2010, giá tôm hùm giống cao, nên ông Nhơn chỉ nuôi được 5.000 con, sau 21 tháng nuôi, ông Nhơn xuất bán, thu lãi ròng 1,5 tỷ đồng.
Như vậy, từ năm 2007- 2011, qua 2 đợt nuôi tôm hùm, ông Nguyễn Thành Nhơn đã thu lãi được 3,7 tỷ, bình quân mỗi năm lãi ròng cả tỷ đồng, đây là kết quả không mấy ai trong nghề đạt tới. Ngoài lợi ích kinh tế thu được, hàng năm ông Nhơn cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 12 lao động địa phương có thu nhập ổn định bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, ông còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương được chính quyền, đoàn thể và người dân nể trọng.
"Trong quá trình nuôi tôm hùm phải nâng cao trách nhiệm cộng đồng và bảo vệ môi trường, không được xả rác thải vào môi trường... Đó là những yếu tố góp phần nâng cao năng suất hiệu quả và phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững", ông Nhơn nói.
Qua quá trình nuôi tôm hùm, ông Nhơn đã rút ra một số kinh nghiệm: Nên chọn vị trí vùng nuôi ở đầm, vịnh, vũng có độ sâu từ 7m trở lên, chọn mua con giống ngay tại địa phương đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm không bị sốc và thích nghi với điều kiện môi trường sinh thái; sử dụng thức ăn chất lượng tốt, cho tôm ăn các loại cá nhỏ, giáp xác và nhuyễn thể còn tươi.
Thức ăn phải được rửa sạch trước khi cho ăn, thực hiện đúng phương pháp cho tôm ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối. Lượng thức ăn tập trung nhiều hơn vào buổi chiều tối và cho tôm ăn vào lúc đói. Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị đúng liều, đúng phương pháp theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành.
Khi tôm bị bệnh cần giảm lượng thức ăn đến mức tối thiểu và cho thức ăn phải bảo đảm thật tươi; thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi, theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường để dịch chuyên, điều chỉnh độ sâu lồng cho phù hợp, giảm bớt sự tác động ảnh hưởng của sự biến đổi thời tiết...
Có thể bạn quan tâm

Chi cục Thủy sản hỗ trợ các hộ nuôi về con giống, vật tư, kỹ thuật chăm sóc cá, kỹ thuật lắp đặt 20 lồng nuôi gồm 12 lồng cá điêu hồng, 4 lồng cá lăng và 4 lồng cá chép lai. Kết quả bước đầu cho thấy, các đối tượng cá nuôi trong lồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân từ 0,4 – 1,2kg/con, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) có 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong các năm vừa qua diện tích nuôi tôm công nghiệp tại địa phương năng suất thấp, chủ đồng chưa có lợi nhuận.

Hiện tại, giá cá tại các chợ trên địa bàn xã Vĩnh Xương như: cá chốt giấy, cá rô đồng có giá từ 60.000 – 80.000đ, cá Mè Vinh có giá từ 50.000đ – 60.000đ. Nhờ vậy, mà các hộ làm nghề đánh bắt thủy sản cũng có thêm thu nhập cao ở lúc cuối lũ, bình quân mỗi ngày các hộ này, có thu nhập từ 150.000đ trở lên, qua đó góp phần năng cao đời sống của người dân vùng lũ đầu nguồn Tân Châu hiện nay.

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong khuôn khổ MDEC - Sóc Trăng 2014, tỉnh Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào 5 dự án nông nghiệp, nông thôn với số tiền 1.000 tỷ đồng.

Tiền Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều lợi thế phát triển vùng cây ăn trái. Để tạo bước chuyển biến, tỉnh ta đã xác định 7 loại trái cây đặc sản cần khuyến khích đầu tư phát triển và đã hình thành các vùng chuyên canh như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước.