Phù Cát (Bình Định) Cân Nhắc Với Cây Tiêu

Những năm gần đây, giá tiêu luôn ở mức cao, nên nhiều nông dân ở các xã quanh khu vực núi Bà của huyện Phù Cát (Bình Định) đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu, rất dễ xảy ra rủi ro.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.
Toàn huyện hiện có trên 30 ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm, Cát Sơn… Xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 15 ha. Ông Nguyễn Văn Thơm là một trong những người tiên phong trồng tiêu ở Cát Trinh, với vườn tiêu trên 350 gốc, một số đã cho thu hoạch, năng suất khá cao, trên 5kg/gốc.
Ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, chia sẻ: Sở dĩ phong trào trồng tiêu ở xã phát triển mạnh là do trước đây bà con trồng thử và thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương phù hợp với cây tiêu, cộng với giá tiêu cao nên đầu tư trồng nhiều hơn. Cây tiêu ở Cát Trinh nếu được đầu tư chăm sóc tốt thì năng suất không thua kém cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể thấy rằng, việc trồng tiêu ở Phù Cát và ở một số địa phương trong tỉnh là không mới, như huyện Hoài Ân có trên 300 ha tiêu, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Song đặc điểm của cây tiêu là “nắng không ưa, mưa không chịu”; khi cây tiêu đã bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh, không có thuốc đặc trị.
Trong khi hầu hết các hộ trồng tiêu ở Phù Cát chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản, nếu phát triển ồ ạt thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế ở các vùng trồng tiêu chuyên canh như Gia Lai, Đắk Lắk và huyện Hoài Ân cũng đã xảy ra tình trạng tiêu bị bệnh chết hàng loạt mà không cứu chữa được.
Ông Phan Sỹ Hùng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Nhằm giúp nông dân có kiến thức trồng tiêu, năm 2014, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng 2 mô hình khuyến nông cây tiêu. Cái khó là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện chưa có chuyên môn sâu về chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây tiêu.
Thời gian tới, nếu có điều kiện sẽ tổ chức cho một số nông dân đến các vùng trồng tiêu chuyên canh học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tiến hành khảo sát những vùng đất phù hợp để cây tiêu ở Phù Cát phát triển bền vững, tránh tình trạng “thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”.
Cũng theo ông Phan Sỹ Hùng: Nếu giá cả ổn định như hiện nay thì việc phát triển cây tiêu là điều tốt, nhưng nếu mở rộng, ngành nông nghiệp huyện sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh... Để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên xây trụ tiêu bằng gạch nung, hoặc bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển. Có như vậy cây tiêu mới trở thành “cây làm giàu” cho bà con được.
Có thể bạn quan tâm

Vụ thu đông 2014, cũng là mùa nước lũ, toàn huyện Lai Vung canh tác gần 400ha các loại hoa màu như: dưa hấu, dưa leo, nấm rơm, bắp, đậu bắp, ớt, bầu, bí, khoai lang, sen, ấu... tăng 120ha so với vụ thu đông 2013. Đến nay đã thu hoạch gần 300ha.

Đầu năm đến nay, không có dịch bệnh xảy ra với đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, giá thức ăn chăn nuôi tương đối ổn định, giá bán sản phẩm chăn nuôi khá cao nên tình hình chăn nuôi tương đối thuận lợi. Hiện trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi phần lớn áp dụng theo hướng công nghiệp thay thế dần cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ của hộ gia đình.

Ngoài ra, xã còn có diện tích lớn cây thảo quả, mỗi năm mang về cho người dân thu nhập hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, tại vùng đất nhiều tiềm năng ấy, cuộc sống người dân lại rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50% tổng số hộ dân toàn xã.

Nâng tỷ lệ HTX khá, giỏi trong toàn tỉnh lên 70%; hạ tỷ lệ yếu kém xuống dưới 10% là mục tiêu cụ thể mà các địa phương, ngành chức năng muốn hướng đến từ nay đến năm 2016. Tuy nhiên, để HTX tồn tại và phát triển với chất lượng bền vững thì rất cần một “luồng gió mới” tiếp sức cho HTX.

Trở về với đời thường, dù mang trong mình nhiều thương tích, nhưng nhiều cựu chiến binh (CCB) ở Đức Phổ tiếp tục phát huy bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ. Họ không ngại khó, ngại khổ, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật làm giàu cho mình và giúp đồng đội, bà con hàng xóm cải thiện cuộc sống...