Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng Vệ Thương Mại Điểm Yếu Của Thủy Sản Việt Nam

Phòng Vệ Thương Mại Điểm Yếu Của Thủy Sản Việt Nam
Ngày đăng: 09/05/2014

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là ba công cụ mà các nước nhập khẩu thời gian qua đã áp dụng vào hàng hóa thủy sản của Việt Nam.

Tuy vậy, việc áp dụng điều này để bảo vệ thị trường trong nước lại chưa được quan tâm đúng mức.

Chưa có hồi kết

Theo thống kê, từ năm 1995 cho đến tháng 3/2014, có 73 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Còn về thủy sản, các vụ kiện chống bán phá giá đối với cá da trơn và tôm của Việt Nam xảy ra như cơm bữa ở rất nhiều thị trường. Vụ kiện CBPG đầu tiên xảy ra năm 2002 với sản phẩm cá tra, basa.

Chỉ riêng tại Mỹ, trong 10 năm đã có tới 8 vụ điều tra chống phá giá và trợ cấp với các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam. Giữa năm 2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có quyết định khởi kiện con tôm của Việt Nam và nếu như phía Mỹ giành chiến thắng, tôm Việt Nam phải chịu mức thuế rất cao (từ 1,15% đến 7,88%).

Mãi tới tháng 9/2013, DOC mới ra quyết định rằng, 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được công nhận là không bán phá giá trên thị trường Mỹ và được hưởng mức thuế CBPG là 0%.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp 4,52% của DOC đối với tôm Việt Nam trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012.

Mặc dù chiến thắng đã thuộc về con tôm Việt Nam, nhưng vụ kiện cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sự đầu tư nuôi trồng của người nông dân.

Trong khi đó, cá tra Việt Nam vẫn bị tăng mức thuế chống bán phá giá. Tháng 9/2013, DOC đã có thông báo về quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9), giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012, thuế chống bán phá giá fillet cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Theo đó, thuế CBPG cá tra fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong quyết định sơ bộ của POR9 cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là 0,42 USD/kg và 2,15 USD/kg và cho các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện là 0,99 USD/kg.

Tăng tính chủ động

Thực tế cho thấy, công cụ phòng vệ thương mại thủy sản đã được phía Mỹ từng bước áp dụng với các sản phẩm của Việt Nam, và điều này cũng có thể xảy ra ở một số thị trường khác. Thực chất, đây là những công cụ chi phối mạnh mẽ thị trường và nguồn cung; Bởi, mức thuế suất cao có thể làm cho các nhà xuất khẩu nản chí và bỏ cuộc, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và lợi nhuận trong kinh doanh mặt hàng thủy sản không còn hấp dẫn như trước đây.

Theo số liệu được công bố, có tới 66% doanh nghiệp được hỏi không biết hoặc biết sơ qua các nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có tới 81,4% doanh nghiệp không biết hoặc biết quá ít về các vấn đề đang được tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ WTO. Đây là thực trạng đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng “Các doanh nghiệp Việt Nam rất ngại các vụ kiện tụng và hầu như nếu không có sự nỗ lực từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp thì họ không thể đơn phương theo đuổi các vụ kiện để bảo vệ chính mình”. Đội ngũ pháp lý của các doanh nghiệp hiện cũng rất mỏng, thậm chí không có.

Một số luật sư cho rằng “Cần phải có một đội ngũ luật sư, các luật gia am hiểu và có uy tín trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam”.

Điều đáng lo ngại nhất là Việt Nam về cơ bản vẫn là nước nhập siêu, nhưng việc sử dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ các nhà sản xuất, bảo vệ các sản phẩm trong nước còn rất sơ sài, bị động.

Các phi vụ nhập khẩu như cá tầm từ Trung Quốc hay nhập tôm từ Ấn Độ với giá rất thấp so với trong nước đều dấy lên sự lo ngại trong dư luận. Nhiều mặt hàng, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào, trong khi ở trong nước vẫn sản xuất được, cũng là yếu tố kìm hãm sản xuất trong nước.

Tính trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,4 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản, với nguồn nguyên liệu nhập khẩu khoảng 80% là từ nước ngoài.

Bên cạnh nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, Việt Nam còn nhập khẩu con giống, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phụ gia, các thiết bị máy móc, các quy trình công nghệ… Rõ ràng, việc quan tâm đến phòng vệ thương mại thủy sản cũng là vấn đề đáng quan tâm, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Mục đích của quá trình này là đảm bảo sự lành mạnh cho thị trường, tránh việc bán phá giá, triệt tiêu đối thủ để chiếm lĩnh thị trường. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp trong nước sẽ khó có cơ hội tồn tại nếu như thị trường nhập khẩu không được quản lý và điều tiết phù hợp.

Nhiều người ví toàn cầu hóa là quá trình thực hiện “thế giới phẳng”. Trong đó, hàng hóa, các sản phẩm sẽ nhanh chóng tràn ngập và văn hóa tiêu dùng sẽ tăng trưởng rất nhanh khi hàng rào về thuế ngày càng lỏng lẻo hơn, cũng như việc chia sẻ lợi ích cũng sẽ được phân chia rộng rãi hơn trên toàn cầu.

Song song với quá trình này, việc giữ bản sắc và bảo vệ sản xuất nội địa được đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Các cuộc đấu trí trên phương diện phòng vệ thương mại sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn với vấn đề phòng vệ thương mại, sử dụng linh hoạt công cụ này trong quá trình hội nhập.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Long Hòa Khấm Khá Nhờ Mô Hình Nuôi Bò Sữa Nông Dân Long Hòa Khấm Khá Nhờ Mô Hình Nuôi Bò Sữa

Mô hình nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện đang được nhiều hộ dân tham gia do thu nhập ổn định, giải quyết việc làm nhàn rỗi cho bà con. Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò sữa Long Hòa ra đời, bà con càng yên tâm đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo.

31/10/2014
Giá Trứng Giảm Mạnh Người Nuôi Chim Cút Tháo Đàn Giá Trứng Giảm Mạnh Người Nuôi Chim Cút Tháo Đàn

Huyện Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu) có khoảng 10 trang trại nuôi chim cút, quy mô 20 ngàn - 70 ngàn con. Trung bình mỗi năm các trang trại cung ứng ra thị trường 22 triệu quả trứng và hàng chục tấn thịt cút thương phẩm. Tuy nhiên, do 2 tháng trở lại đây giá trứng cút giảm mạnh, các hộ nuôi chim cút khó có thể tiếp tục duy trì đàn.

31/10/2014
Giải Pháp Mang Lại Hiệu Quả Cho Người Trồng Lúa Giải Pháp Mang Lại Hiệu Quả Cho Người Trồng Lúa

Để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi cao hơn, tại hội thảo Những giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại Phú Yên vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra một số giải pháp cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

31/10/2014
Đào Được Củ Khoai Mì Nặng Gần 8kg Đào Được Củ Khoai Mì Nặng Gần 8kg

Ông Trần Văn Mẫn (ngụ ấp Tân Thành, xã Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang) cho biết, khi thu hoạch khoai mì ngoài bờ ruộng, ông đã đào được củ khoai mì nặng gần 8kg, với hình dạng khá kỳ dị, giống như bình hồ lô. Đây là củ khoai mì to nhất mà ông trồng được.

31/10/2014
Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa) Khó Khăn Chuyển Đổi Cây Trồng Tại Những Vùng Trồng Mía Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Tình hình sản xuất mía niên vụ 2014 - 2015 trên địa bàn Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán kéo dài. Trước tình hình đó, nhiều nông hộ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nhằm đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, với đặc thù canh tác tại địa phương khiến việc chuyển đổi cũng không hề đơn giản.

31/10/2014