Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phong Điền (TP. Cần Thơ) bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng

Phong Điền (TP. Cần Thơ) bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng
Ngày đăng: 13/04/2015

Mới bước vào mùa khô nhưng tình hình nắng nóng và khô hạn đang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi. Dù nguồn nước tưới phục vụ cho cây trồng vẫn đảm bảo, nhưng nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái vẫn lo ngại nắng nóng tiếp tục kéo dài và không xuất hiện các đợt mưa trái mùa, khả năng xảy ra thiếu nước tưới cục bộ tại nhiều nơi nếu không kịp thời quan tâm cải tạo các kênh, mương dẫn nước.

Từ thực tế đó, nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền đã và đang tích cực cải tạo các kênh, mương dẫn nước tưới vào các vườn trồng cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Bé, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: "Nghe các bản tin thời tiết trên đài dự báo tình hình khô hạn còn kéo dài trong các tháng tới, tôi đã chủ động bồi sình non cho vườn cây vú sữa rộng hơn 3 công để bảo vệ cây trước trời nắng nóng và cải tạo các mương dẫn nước tưới. Cứ cách một ngày, tôi tưới nước cho vườn cây một lần".

Theo chị Ngô Thị Tâm, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, dù giá thuê nhân công khá cao, khoảng 200.000 đồng/người/ngày, nhưng nắng nóng, sợ vườn cây ăn trái thiệt hại, gia đình chị phải thuê 2 hai nhân công cải tạo kênh mương và bồi sình non cho vườn cây.

Chị Tâm cho biết: "Nguồn thu của gia đình chủ yếu từ công vườn trồng vú sữa, mít và dừa xiêm lùn. Nắng nóng kéo dài, nếu không chăm sóc, tưới nước tốt cho vườn cây chắc chắn năng suất trái sẽ bị sụt giảm, thậm chí những loại cây trồng chịu hạn kém có thể bị chết khô".

Theo nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở huyện Phong Điền, thời tiết khô nắng trong những tháng qua tạo thuận lợi cho người dân trong việc xiết nước, xử lý ra trái nghịch vụ đối với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, trời nắng nóng quá cũng khiến tỷ lệ ra bông, đậu trái của nhiều loại cây trồng bị ảnh hưởng.

Đồng thời, chi phí đầu tư sản xuất nhiều loại cây ăn trái sẽ tăng cao do nhà vườn phải tốn nhiều công chăm sóc, tưới nước cho vườn cây. Song, với tình hình giá cả đầu ra của nhiều loại trái cây đang khá tốt, nhiều nhà vườn không ngại bỏ ra các chi phí đầu tư, chăm sóc vườn cây.

Anh Nguyễn Văn Hữu, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, có 3 công chanh, cho biết: "Giá bán chanh đang ở mức khá cao, 18.000 đồng/kg, tôi phải cố gắng chăm sóc vườn chanh để có năng suất trái tốt. Hiện cứ cách 1 ngày là tôi tưới nước cho vườn chanh 1 lần. Tôi cũng thuê thêm người để cho bồi sình lên tất cả các gốc chanh trong vườn nhằm giữ ẩm, đảm bảo cây phát triển tốt".

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Để chủ động bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng, ngay từ rất sớm ngành nông nghiệp huyện đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô, tiến hành dọn cỏ, khai thông dòng chảy các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nhà vườn cần sử dụng các loại vật liệu, như: rơm rạ, cỏ... để che đậy gốc cây, vun sình giữ ẩm độ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, tưới nước phù hợp từng loại cây theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có 6.020 ha cây ăn trái các loại, trong đó diện tích cho thu hoạch là 5.480 ha. Tổng sản lượng trái cây thu hoạch trong những tháng đầu năm 2015 ước khoảng 18.430 tấn, đạt 28,6% so kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Ước đến cuối tháng 3-2015 sản lượng thu hoạch trái đạt 19.180 tấn.

Trong 3 tháng đầu năm 2015, nông dân đã tiến hành cải tạo diện tích vườn bị suy thoái, kém hiệu quả được hơn 11,5ha và tập trung xử lý ra hoa đồng loạt một số loại cây ăn trái như: dâu, sầu riêng... Do quan tâm chăm sóc tốt vườn cây nên dù trời nắng nóng như hiện nay nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện hiện vẫn ra bông và đậu trái khá tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.

06/05/2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp) Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

23/11/2012
Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

07/05/2013
Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn

Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

28/11/2012
Tập Huấn Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolaise Ở Hà Tĩnh Tập Huấn Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolaise Ở Hà Tĩnh

Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.

07/05/2013