Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng, Chống Dịch Ở Xí Nghiệp Chăn Nuôi Bắc Đẩu An Toàn Tới Từng Chi Tiết

Phòng, Chống Dịch Ở Xí Nghiệp Chăn Nuôi Bắc Đẩu An Toàn Tới Từng Chi Tiết
Ngày đăng: 26/07/2013

Nằm ngoài cánh đồng thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh), Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu từ lâu đã được biết đến như một mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn chuyên nghiệp.

Trước khi mời chúng tôi vào thăm trang trại, anh Nguyễn Văn Đẩu, Giám đốc Xí nghiệp cẩn thận đưa cho mỗi người một chiếc áo như blouse trắng rồi cười nói: “Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, khu vực chăn nuôi của chúng tôi rất ít người ra vào. Nếu có ai vào cũng phải mặc áo đã được vô trùng”.

Bước vào khu trang trại được xây dựng quy củ, mới thấy sự cẩn thận của anh Đẩu là điều cần thiết và phù hợp. Toàn bộ diện tích 1,5 ha với tổng đàn lợn hơn 5.000 con, trong đó có 600 con lợn nái ông bà, bố mẹ được bảo đảm an toàn tới từng chi tiết. Anh Đẩu cho biết, trang trại này được xây dựng từ năm 1997. Ngay từ thời điểm đó, anh đã có suy nghĩ phải chăn nuôi quy mô lớn và chăn nuôi an toàn mới có thể phát triển kinh tế lâu dài.

Theo anh, chăn nuôi an toàn có 2 cái lợi cơ bản: “Thứ nhất là mình tạo được uy tín với bạn hàng, thứ hai là để tự giúp mình không thua thiệt nặng. Đã là người chăn nuôi thì ai cũng biết, không lúc nào không có dịch bệnh đe dọa, chỉ cần sơ sẩy một chút, có khi mất trắng. Trong suốt 16 năm qua, đàn lợn của Xí nghiệp cũng đã từng bị bệnh, nhưng chưa bao giờ đến mức phải tái đàn toàn bộ”.

Được sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, anh đã xây dựng hệ thống chuồng trại theo kỹ thuật tiên tiến là hệ thống chuồng Ivec kín hoàn toàn, một đầu lắp tấm giấy làm mát, một đầu lắp hệ thống quạt hút gió, bạt trần. Nhờ vậy, chuồng nuôi luôn thông thoáng và đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho lợn sinh trưởng tốt. 8 dãy chuồng được đánh số ngay ở cửa để phân loại lứa tuổi lợn gồm chuồng đẻ, chuồng cai sữa và nuôi thịt. Riêng chuồng nuôi lợn thịt và xuất khẩu còn có hệ thống bể nước cho lợn tắm tự động để đảm bảo vệ sinh. Bên ngoài, 3 bể biogas xử lý nước thải và 2 ao thả cá giúp điều hòa không khí trong khu vực trang trại. Ngay phía trước cổng ra vào, hệ thống sát trùng tiêu độc tự động phun thuốc sát trùng khi người và phương tiện đi qua.

Ngoài việc xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, quy trình chăn nuôi lợn cũng được tuân thủ nghiêm ngặt. Hiện nay, toàn bộ đàn lợn được chăm sóc bởi 30 công nhân, là những người có trình độ và thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Hàng ngày, họ dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và định kỳ một tuần hai lần phun thuốc sát trùng. Khi có dịch bệnh, đàn nuôi và công nhân được cách ly hoàn toàn với khu vực bên ngoài.

Để chủ động tiêm phòng kịp thời, Xí nghiệp còn trang bị riêng tủ bảo quản vắc xin dự phòng với một số loại vắc xin đặc chủng. Công tác phối giống và lựa chọn giống cũng được Xí nghiệp đặc biệt chú ý. Một phòng pha tinh, phối tinh nhân tạo với các thiết bị hiện đại vừa để phục vụ trang trại vừa cung cấp cho nông dân trong khu vực. Thời gian tới, anh Đẩu dự tính tách đàn lợn thịt sang trang trại 40.000m2 mà anh mới xây dựng ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, nhằm đảm bảo an toàn hơn nữa cho đàn nuôi.

Sự đầu tư nghiêm túc và quy trình chăn nuôi chặt chẽ đã giúp cho đàn lợn của Xí nghiệp Bắc Đẩu luôn phát triển tốt và hạn chế tối đa dịch bệnh. Kết quả sản xuất hàng năm, Xí nghiệp xuất bán từ 1.200 - 1.400 tấn lợn hơi thương phẩm, doanh thu 60 - 70 tỷ đồng/năm.

Mặc dù đã có các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn thú y và được nhiều người biết tới, song đến nay, đầu ra sản phẩm của lợn an toàn này vẫn chưa ổn định, chưa cung cấp được cho các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp địa phương. Thị trường tiêu thụ chính của thịt lợn an toàn này là Hà Nội, Quảng Ninh… và các chợ bán lẻ trên địa bàn.

Dẫu vậy, ông Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi an toàn này vẫn tin tưởng: “Hiện nay, người tiêu dùng chưa có cách nào phân biệt được thịt lợn có an toàn hay không nhưng tôi vẫn cho rằng, trong điều kiện cạnh tranh càng khốc liệt, chăn nuôi an toàn vẫn là hướng phát triển kinh tế bền vững”.


Có thể bạn quan tâm

Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

17/08/2013
Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

17/08/2013
Ly Nông Nhưng Không Bỏ Hội Ly Nông Nhưng Không Bỏ Hội

Do biết cách làm ăn, thoát nghèo bền vững, nên dù làm công nhân, chị Trần Thị Minh vẫn được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bàu Dài (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) .

17/08/2013
Tập Trung Phòng Trừ Sâu Bệnh Trên Lúa Mùa Tập Trung Phòng Trừ Sâu Bệnh Trên Lúa Mùa

Theo điều tra của Chi cục BVTV, trong đợt phát động phòng trừ sâu bệnh từ ngày 1 đến 7-8, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân ra đồng phun thuốc. Tính đến ngày 4-8, diện tích được phòng trừ đạt khoảng 60%.

17/08/2013
Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu

Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.

17/08/2013