Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng Chống Cúm Gia Cầm Trong Nuôi Vịt Chạy Đồng Người Nuôi Phải Chủ Động Ở Phú Yên

Phòng Chống Cúm Gia Cầm Trong Nuôi Vịt Chạy Đồng Người Nuôi Phải Chủ Động Ở Phú Yên
Ngày đăng: 14/05/2013

Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi rút gây bệnh cúm xuất hiện thêm nhiều nhánh, chủng mới, ngành thú y và người chăn nuôi trong tỉnh Phú Yên đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, nhất là trong mùa vịt chạy đồng.

TĂNG ĐÀN TRONG MÙA CHẠY ĐỒNG

Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 3,2 triệu con, tập trung ở các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Tây Hòa… Trong đó, hơn 70% là vịt, được nuôi theo hình thức chạy đồng với quy mô đàn từ 1.000 đến 2.000 con. Đặc biệt vào những thời điểm ăn đồng, đàn vịt có thể tăng cao hơn vì hầu hết các hộ chăn nuôi đều tăng đàn để tranh thủ nguồn thức ăn trên đồng sau mỗi mùa gặt. Ông Trần Văn Cung ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho biết: “Ngay sau khi ruộng gieo sạ xong, tôi đầu tư tiền mua thêm giống, tăng đàn lên 2.200 con để kịp chạy đồng sau mùa thu hoạch”.

Hầu hết các hộ chăn nuôi vịt ở các địa phương đều tranh thủ tăng đàn trong mùa đồng bởi lợi nhuận từ nuôi vịt chạy đồng mang lại tương đối cao. Theo ông Trần Văn Thảo ở xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa), so với nuôi nhốt thì chi phí nuôi vịt trong mùa chạy đồng giảm khoảng 1/3, trong khi đó sản lượng trứng lại cao hơn, trứng to và chất lượng hơn nên bán được giá. Ông Thảo cho hay: “Vào mùa nuôi vịt chạy đồng, bình quân sau mỗi đêm đàn vịt 1.000 con của nhà tôi đẻ được 850 trứng, tăng 70 - 100 trứng so với nuôi nhốt”.

Việc tăng đàn trong thời điểm này, mang lại nguồn lợi kinh tế khá cao cho người chăn nuôi nhưng cũng là mối nguy dịch bệnh lây lan. Vì vậy, công tác giám sát, kiểm soát đàn vịt trong những thời điểm này là rất quan trọng. Ông Trần Khắc Dũng, Trạm phó Trạm Thú y huyện Tây Hòa cho biết: Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y cơ sở để kiểm soát chặt đàn gia cầm của địa phương và các vùng lân cận di chuyển đến, đồng thời hướng dẫn cho các địa phương việc ghi chép sổ theo dõi để kiểm soát chặt việc tăng đàn, tiêm phòng, di chuyển đàn… để có biện pháp kiểm soát và phát hiện sớm dịch bệnh.

Ngoài vai trò của các cơ quan chức năng, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, tuyên truyền về tình hình dịch cúm đang xảy ra và có nguy cơ lây nhiễm cao trên đàn vật nuôi và lây lan sang người. Ông Đinh Ngọc Sáng, cán bộ thú y xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) cho biết: Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên nhiều hộ chăn nuôi đã ý thức được mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đa phần các hộ chăn nuôi vịt của xã đều thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường chăn nuôi, thực hiện tốt việc khai báo khi có biến động tái, tăng, nhập đàn và có ý thức cảnh giác cao đối với các đàn vịt từ nơi khác di chuyển đến.

VÀ TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Theo các ngành chức năng, để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là đối với đàn vịt chạy đồng, cách tốt nhất, hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và sâu rộng nên bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Hầu hết các hộ chăn nuôi đã ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng dịch nên người dân tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo của cơ quan thú y. Đặc biệt trong mùa chạy đồng năm nay, nhiều chủ nuôi tự giác đăng ký mua vắc xin cúm A/H5N1 để tiêm phòng cho đàn vịt.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng được 41.600 con gia cầm chủ yếu tại các vùng nuôi vịt trọng điểm tại các huyện Đông Hòa, Tây Hòa… Ông Lê Thanh Hải, một hộ nuôi vịt ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) cho hay: “Được sự hướng dẫn và tuyên truyền của cán bộ thú y, gia đình tôi nhận thức được hiệu quả và tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin nên ngoài tiêm phòng các loại vắc xin dịch tả, Niu cát xơn… như lâu nay, gia đình tôi đã mua vắc xin cúm A/H5N1 để tiêm cho đàn vịt 2.400 con của mình, vừa đảm bảo an toàn cho đàn lại thuận lợi trong việc đưa đàn vịt đi ăn đồng ở các địa phương khác”. Tương tự, hộ ông Phạm Tư Ý ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) cũng không ngần ngại chi gần 4 triệu đồng để mua vắc xin cúm A/H5N1 tiêm phòng cho đàn vịt 1.000 con của gia đình. Theo ông Ý, số tiền chi phí cho tiêm phòng khá cao nhưng bù lại rủi ro giảm hẳn, việc di chuyển đàn vịt nuôi chạy đồng được dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, đặc biệt hệ thống thú y cơ sở luôn được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người chăn nuôi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương đã có sự phối hợp tốt với các ngành chức năng trong việc kiểm soát nguồn gốc và lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh của đàn vịt, nguy cơ xuất hiện dịch cúm sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Ngoài ra, để công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho các hộ nuôi mua vắc xin để tiêm cho đàn gia cầm của mình.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Heo An Toàn Sinh Học Nuôi Heo An Toàn Sinh Học

Hiện nay, một trong những khó khăn đối với người chăn nuôi nói chung là vấn đề vệ sinh môi trường. Để đạt được điều đó, người nuôi phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành chăn nuôi. Và mô hình nuôi heo an toàn sinh học tại gia đình của anh Nguyễn Tiến Đồn ở xã Lê Chánh, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là địa chỉ tham quan, học tập của rất nhiều bà con và cả những cán bộ trong nghề

15/07/2011
Lũ Lụt Hoành Hành Ở Châu Á Lũ Lụt Hoành Hành Ở Châu Á

Những trận lũ gây ra lụt lội trên diện rộng ở nhiều nước châu Á cướp đi 500 sinh mạng, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của hàng triệu người

20/10/2011
9 Bí Quyết Sản Xuất Rau Màu Trong Mùa Mưa 9 Bí Quyết Sản Xuất Rau Màu Trong Mùa Mưa

Trong những năm gần đây một số tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đã làm tốt khâu chuyển dịch cây trồng từ sản xuất 3 vụ lúa thành 2 vụ lúa xen canh với một vụ rau màu đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao

02/06/2011
Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Vườn Dừa Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Vườn Dừa

Nếu tận dụng mặt nước sẵn có từ vườn dừa, đồng thời áp dụng cải tiến một số phương pháp như cải tạo mương vườn, chọn giống, quản lý, chăm sóc tốt thì hàng năm chúng ta sẽ có một lượng tôm càng xanh thương phẩm khá lớn, góp phần tăng thu nhập đáng kể và giải quyết một lượng lao động tại địa phương

23/07/2011
Quạt Nuôi Tôm Quấn Nát 'Của Quý' Quạt Nuôi Tôm Quấn Nát 'Của Quý'

Đứng cạnh hệ thống tạo ôxy trên ao nuôi tôm, anh Tính bất ngờ bị cánh quạt của thiết bị này quấn lấy quần lôi luôn vào trong. Tai nạn khiến nông dân 27 tuổi phải nhập viện trong tình trạng chỗ ấy đầm đìa máu

23/10/2011