Phòng Bệnh Cho Đàn Vật Nuôi Lúc Giao Mùa

Nhờ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được duy trì ổn định, các loại dịch bệnh mặc dù có xuất hiện nhưng đã được ngăn chặn và khống chế kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục thú y, vào những tháng cuối năm nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác động phức tạp từ thời tiết. Ngoài ra, xu hướng tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Vào thời điểm sau lũ rút, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Môi trường sau lũ rút thường bị ô nhiễm nặng, nhất là các vùng nước lũ ngập sâu trong thời gian dài. Vì vậy, nơi trú ngụ của vật nuôi không đảm bảo, dễ dẫn đến bị nhiễm bệnh và lây lan nhanh. Thêm vào đó, nhiệt độ những tháng cuối năm thường xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu, không đủ khả năng chống chọi với những chủng virut có độc lực cao như cúm A H5N1 trên gia cầm, tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động, do vậy dịch bệnh rất dễ lây lan và phát tán, đặc biệt là các bệnh: tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn trên heo.
Một vấn đề khác cũng khá nhạy cảm hiện nay là nguy cơ lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm qua đường biên giới. Tình hình trao đổi và buôn bán vật nuôi qua đường biên giới diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân mua bò từ nước bạn về vỗ béo nhưng lại không chủ động khai báo tiêm phòng với cơ quan thú y địa phương, nên vừa qua tại Tân Hồng xảy ra tình trạng hơn 200 con bò bị lở mồm long móng. Rất may, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế và không gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Điều đó càng cho thấy rằng, mầm bệnh vẫn còn lưu trú ngoài môi trường rất cao, vì vậy để tránh thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kì.
Bên cạnh những hộ còn lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh thì phần đông những hộ chăn nuôi rất coi trọng việc tiêm phòng vắc-xin cũng như tuân thủ nghiêm các khuyến cáo từ ngành thú y. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt và nuôi heo, anh Lê Văn Quang ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Thông thường vào mùa mưa bão và trời lập đông, đàn vật nuôi thường dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chăn nuôi trong những năm qua tôi nhận thấy, nếu đàn bò, đàn heo được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, cũng như chuồng trại đảm bảo vệ sinh thì khả năng vật nuôi bị nhiễm dịch bệnh là rất thấp. Đàn heo nhà tôi luôn được tiêm phòng đầy đủ nên dù thời tiết có nhiều bất lợi thì tôi cũng không ngại lắm”.
Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tể Chi cục thú y cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành thú y đã chủ động trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi của toàn tỉnh cũng như có những biện pháp xử lí hiệu quả các trường hợp dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, vào những tháng giao mùa, người nuôi cần phải thận trọng hơn, cần chú ý chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng, vật nuôi phải được cách ly kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo qui định trước khi nhập đàn; chuồng nuôi được che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi... Hàng ngày, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tránh dịch bệnh lây ra diện rộng...”.
Có thể bạn quan tâm

QII/2014 chứng kiến mức giảm đáng kể trong XK tôm sang Nhật Bản do quy định kiểm tra kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong toàn bộ tôm NK từ Việt Nam từ giữa tháng 3. Vì vậy, Nhật Bản “xuống hạng”, từ thị trường NK số 1 của tôm Việt Nam xuống vị trí thứ 3 trong QII/2014 sau Mỹ và EU. Bức tranh XK tôm sang Nhật Bản sẽ tiếp tục ảm đạm khi vấn đề OTC chưa thể giải quyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua không ít khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giữ được hoạt động sản xuất ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình nuôi gà ri lai chọi thả vườn được Hội Nông dân tỉnh triển khai và đã chọn 2 hộ ở xã Thạch Bình thực hiện thí điểm, với quy mô 800 con. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Hội đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học cho các hộ nông dân có nhu cầu tiếp thu KHKT nuôi gà; chọn mua giống gà sạch bệnh 1 ngày tuổi, sinh trưởng tốt và đúng nguồn giống an toàn dịch bệnh.

Tháng 6/2013, Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tiến ở xã Ðắk Sin (Đắk R’lấp - Đăk Nông) đã huy động vốn của xã viên được trên 20 tỷ đồng để đầu tư nuôi heo sinh sản và heo thịt theo mô hình khép kín an toàn dịch bệnh và hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa ngoại nhập khẩu, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN-PTNT đặt ra chỉ tiêu tăng số lượng đàn bò sữa đạt 500.000 con vào năm 2020 để có sản lượng sữa khoảng 1 triệu tấn sữa tươi mỗi năm.