Phó Thủ Tướng Yêu Cầu Cấm Biển Ngay Hôm Nay

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương hoãn tất cả các hoạt động chưa cần thiết, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống tiêu, hồ chứa, các vùng xung yếu... thực hiện cấm biển ngay trong hôm nay (17/7), trong ngày mai (18/7), không để ngư dân còn hoạt động trên biển.
Như tin đã đưa, sáng nay (17/7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban QGTKCN và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình về công tác ứng phó với bão số 2 (tên quốc tế là Rammasun) đang tiến vào vào vịnh Bắc Bộ, đe dọa trực tiếp vùng đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng và vùng Tây Bắc.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh cơn bão số 2, thiên tai đầu tiên trong trong số hàng chục cơn bão được dự báo trên Biển Đông diễn ra trong năm nay, thể hiện sự phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Tinh thần là cảnh giác cao, đưa ra những quyết định chính xác trong phòng, chống khi đường đi bão phức tạp và mạnh lên khi vào bờ so với dự báo, sức gió khoảng 150 km/h, phạm vi ảnh hưởng lớn lại vào đúng lúc triều cường kèm mưa 200-300 mm là rất nguy hiểm.
Xác định khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng bão số 2 (từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa), Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cấm biển ngay trong hôm nay (17/7), trong ngày mai (18/7), không để ngư dân còn hoạt động trên biển.
Trước 16h ngày mai, các địa phương phải đảm bảo phương án sẵn sàng sơ tán nhân dân ở khu vực xung yếu, vùng ven biển, lồng bè, chòi canh, các khu vực tàu thuyền, khách du lịch.
Các lực lượng chuyên trách, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, nhất là các biểu hiện bất thường, mạnh lên của bão ở các thời điểm vào vịnh Bắc Bộ và cập bờ. Thông tin, hướng dẫn số tàu thuyền đang còn trong vùng nguy hiểm.
Các địa phương tổ chức trực, cử các tổ công tác xuống các địa bàn trọng yếu, hoãn tất cả các hoạt động chưa cần thiết, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống tiêu, hồ chứa, các vùng xung yếu, việc chặt cây, tỉa cành, chằng chống nhà cửa, các biển quảng cáo. Các tỉnh miền núi phía Bắc chú ý nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý phương tiện truyền thông liên tục có thông tin, cảnh báo về diễn biến của cơn bão này. Các địa phương phát huy vai trò của truyền thanh thôn xóm, giúp cập nhất thông tin, các phương án phòng tránh cho nhân dân.
Bộ NNPTNT cử đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống bão vùng Đông Bắc; Bộ Công Thương lưu ý lĩnh vực các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Bộ GTVT, Bộ Công an đảm bảo an toàn giao thông, cấm lưu thông trên đường khi cần thiết; bảo đảm an ninh trật tự.
Về diễn biến bão số 2, Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết hồi 7 giờ sáng nay (ngày 17/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 7 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, một số nông dân trồng lúa ở xã Lương Quới (Giồng Trôm - Bến Tre) đã chuyển qua trồng cây màu ở vùng ruộng lõm để có lợi nhuận cao hơn. Anh Trần Ngọc Thành (ấp 3, xã Lương Quới), đã chuyển bốn công đất lúa sang trồng cây ớt chỉ thiên, ước năng suất thu hoạch trong ba vụ khoảng trên 10 tấn trái.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công nhận giống Lúa Cẩm Cai Lậy do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lai tạo và 13 giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo là "Giống cây trồng nông nghiệp mới" đồng thời chỉ đạo các sở nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sản xuất thử nghiệm.

Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.

Hiện thanh long của Việt Nam được xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá khá tốt, đạt cao nhất trên 90.000 đồng/kí lô gam. Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, thuộc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết như vậy tại hội nghị: “Phổ biến kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị thanh long và nhân rộng đối với sản phẩm trái cây khác”, được tổ chức tại Tiền Giang sáng ngày 17-10.