Phê Duyệt Tái Cơ Cấu Lĩnh Vực Trồng Trọt

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền.
Đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt.
Theo Kế hoạch, đối với lúa gạo, thực hiện đổi mới ngành sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu có hiệu quả cao; chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tiết kiệm giống, phân bón, nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm từ lúa, gạo (rơm rạ, vỏ trấu) để tăng giá trị gia tăng.
Đối với cây công nghiệp lâu năm có khả năng cạnh tranh cao (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè), Kế hoạch nêu rõ cần rà soát quy hoạch phát triển cao su, cà phê, chè; quy hoạch phát triển hồ tiêu, điều cho phù hợp với thị trường và đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững, ưu tiên tập trung tái canh cà phê để duy trì năng suất, sản lượng cà phê; thâm canh tăng năng suất, chất lượng điều, giảm lượng điều nguyên liệu nhập khẩu.
Đối với cây ăn quả, mở rộng diện tích, thâm canh, rải vụ, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm cây ăn quả, trong đó tập trung các cây ăn quả chủ lực như thanh long, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, vải, chuối…
Áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng
Theo Kế hoạch, sẽ nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt theo nhu cầu thị trường; áp dụng giống ngô, đậu tương, bông chuyển gen; khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Về kỹ thuật canh tác, áp dụng công nghệ cao, các quy trình sản xuất bền vững theo Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhằm tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa đặt ra tại Kế hoạch là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tác công tư PPP, tăng cường xúc tiến thương mại. Theo đó, hoàn thiện, mở rộng, nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức sản xuất bền vững theo hình thức PPP; trước mắt, giai đoạn 2014-2015 cùng các đối tác tập trung triển khai kết quả 4 mô hình PPP: chè, cà phê, ca cao, rau khoai tây.
Về cơ chế chính sách, xây dựng mới chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa; chính sách tái canh cà phê, chính sách áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn (cao su, cà phê, hồ tiêu, mía…) trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ giống mới, xây dựng mô hình, đào tạo, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là cho nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi giá hành, tỏi ở nhiều địa phương rớt mạnh thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi kg tỏi cô đơn có giá đến 1,2 triệu đồng.

Lựa chọn rau sạch, rau an toàn cho mỗi bữa ăn khiến các bà nội trợ luôn lo lắng. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để rau không rõ nguồn gốc, nhiều người bắt đầu tìm đến giải pháp tự trồng rau xanh tại nhà.

Ngay từ đầu năm, song song với việc thực hiện phát triển KT – XH, QP – AN, huyện Vị Xuyên đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án, phương án trọng tâm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ của các chương trình, đề án, phương án và mang lại những kết quả đáng mừng.

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông ngày càng được các địa phương, trong đó có Hậu Giang quan tâm xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn.

Mùa hè năm nay, nắng nóng liên tục trên diện rộng, nhiệt độ trung bình từ 37-40 độ C khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng 5-7% so với năm trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, các Cty, đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã chủ động duy trì việc cấp nước ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước theo quy định; dự phòng giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch cho khách hàng sử dụng nước.