Phát Triển Vườn Cam Sành

Giá cam sành luôn ở mức cao và ổn định trong thời gian qua làm cho nhiều nhà vườn ở xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) có nguồn thu nhập cao và ổn định. Cá biệt có nhiều nhà vườn kiếm được tiền tỉ mỗi năm nên không ít người dân đã chuyển đổi sản xuất.
Phát triển sản xuất nông nghiệp của Đại Thành chủ yếu là trồng cây ăn trái, trong đó, cam sành đang được xem là loại cây chủ lực và chiếm diện tích nhiều nhất vào thời điểm này. Hiện toàn xã có 2.010ha vườn cây ăn trái thì có đến 1.200ha là cam sành, có khoảng 500ha đang cho trái, còn lại từ 1-2 năm tuổi.
Theo các nhà vườn trồng cam sành nơi đây, khoảng 2 năm trở lại đây, giá cam sành trên thị trường luôn ổn định ở mức cao, mùa nghịch có giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, còn mùa thuận từ 8.000-12.000 đồng/kg. Nếu vào thời điểm này của những năm trước, cam chỉ có giá trên 10.000 đồng/kg thì hiện nay vẫn còn giữ ở mức từ 25.000-28.000 đồng/kg nhưng vẫn không có cam để bán.
Ông Nguyễn Hữu Trí, ở ấp Đông An, bộc bạch: “Trước tình hình giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định của một số mặt hàng nông sản, như: lúa, mía, cá tra,… như hiện nay thì buộc lòng người dân phải chọn cây cam sành để phát triển kinh tế gia đình.
Trên thực tế, nếu đầu tư 1 công cam sành nhà vườn có thể kiếm được 100 triệu đồng/năm, còn làm lúa chỉ vài triệu đồng/năm”. Hiện tại, gia đình ông Trí trồng được 8 công cam sành, trong đó có 4 công đang cho trái chiếng, thu hoạch mỗi năm khoảng 10 tấn cam, cho nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng.
Chính từ việc có nguồn thu nhập cao và tương đối ổn định khiến nhiều nông dân tại xã Đại Thành mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, nuôi thủy sản hoặc cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng cam sành.
Anh Dương Thành Trung, ở ấp Sơn Phú, cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó với cây lúa và mía nhưng cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, do nguồn thu nhập rất bấp bênh. Thấy bà con xung quanh trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao nên đã mạnh dạn chuyển toàn bộ 2,3ha đất lúa và mía sang trồng cam sành, với mong muốn đời sống sau này sẽ đỡ vất vả hơn”. Hiện tại, cam sành của anh Trung đã hơn 2 năm tuổi và cho trái.
Theo tính toán, vụ trái chiếng tới đây, vườn cam của anh cho năng suất không dưới 10 tấn trái, với giá cam như hiện nay sẽ có được nguồn lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ tiếp tục được cải thiện trong những lần thu hoạch sau khi cam đã lớn và cho năng suất cao.
Anh Trung cho biết thêm: “Khi trồng lúa và mía, bà con không dám nghĩ mình sẽ có được thu nhập tiền trăm triệu, nhưng khi chuyển qua trồng cam thì khả năng có được tiền tỉ rất dễ dàng, nhất là những hộ có diện tích đất nhiều và kỹ thuật canh tác tốt”.
Theo UBND xã Đại Thành, thời gian qua, mặc dù có sự lo ngại của các ngành chức năng về sự bùng phát diện tích cam sành tại địa phương, nhưng trên thực tế không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế đem lại từ loại cây đặc sản này. Nhờ cây cam sành đã giúp cho mức thu nhập của người dân địa phương không ngừng được cải thiện, nhiều hộ dân đã xóa được nghèo và vươn lên làm giàu.
Theo điều tra của UBND xã, đến cuối năm 2012, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%. Cũng chính thu nhập hấp dẫn từ cam sành mà nhiều diện tích vườn tạp trên địa bàn không còn, thay vào đó là những vườn cam tươi tốt. Qua đây, góp phần không nhỏ cùng địa phương hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Đại Thành Dương Văn Giang cho hay: Thời gian tới, ngoài việc cố gắng tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam sành và giữ vững diện tích đã có, địa phương sẽ không ngừng phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các nhà vườn, trong đó quan tâm về biện pháp cho trái nghịch vụ, nâng cao lợi nhuận.
Ngoài ra, nhằm giúp cho nông dân có nơi tiêu thụ ổn định, địa phương đang phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy đưa cam sành đi chào hàng một số nơi để lấy thương hiệu, đồng thời xây dựng chương trình sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm sạch, nâng cao sức cạnh tranh với các mặt hàng nông sản khác...v
Có thể bạn quan tâm

5 năm qua, Tổ hợp tác nuôi rắn ri voi xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân - Vĩnh Long) xuất bán sang Trung Quốc mỗi năm trên 2 tấn rắn với giá dao động từ 750.000 - 900.000 đ/kg. Nhiều bà con nơi đây khấm khá lên nhờ loại rắn này.

Tuy nhiên, thời gian qua chỉ một lượng rất nhỏ phụ phẩm này được dùng để trồng nấm, với sản lượng nấm cả nước chỉ đạt 250.000 tấn/năm, không đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, có thể thấy chúng ta đã bỏ qua cơ hội rất lớn để biến phụ phẩm nông nghiệp thành tiền.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong vụ mùa năm 2013, song phần lớn nông dân trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn chọn loại cây này làm cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế.

Thiệt hại cho 1 ha mía bị phá bỏ từ 25 - 40 triệu đồng. Chi cục Bảo vệ thực vật Gia Lai đã khuyến cáo người dân phá bỏ diện tích mía bị nhiễm bệnh, thu gom tiêu hủy để loại trừ mầm bệnh, tránh lây lan sang diện rộng và trồng các loại cây khác trên diện tích mía bị bệnh, sau một năm mới trồng lại mía.

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL đang diễn ra mạnh mẽ, việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả những vùng đất phèn rộng lớn của vùng là vấn đề được các nhà khoa học và nông dân quan tâm.