Phát triển vùng nguyên liệu mía ở Ba Tơ đang gặp khó

Èo uột cây mía trên đồi
Dọc Quốc lộ 24, từ thị trấn Ba Tơ lên thị tứ Ba Vì, trên những sườn đồi trước đây trồng mía, nay đồng bào đang phá gốc để trồng mì, trồng keo. Anh Phạm Văn Mâm ở xã Ba Tô cho biết: “Mình trồng 6 sào mía, có 2 sào mía trên đồi. Mấy năm trước cây mía trồng trên đồi còn tốt. Còn bây giờ, đất bạc màu nên mía rất xấu. Hơn nữa vì thiếu tiền mua phân bón, nên cây mía càng xấu thêm. Đã vậy, khi thu hoạch lại tốn công vận chuyển nên năm nay mình phá hai sào mía trên đồi để chuyển sang trồng mì, chỉ còn giữ 4 sào mía ở phía dưới thôi”.
Anh Phạm Văn Rích cũng là người trồng mía trên đất đồi phân bua: “Không chuyển qua trồng mì làm sao được. Bởi hai năm rồi giá thu mua mía của Nhà máy đường Phổ Phong chỉ 850 nghìn đồng/tấn cho loại mía có hàm lượng đường 10CCS. Nhưng, thời điểm bán mía chữ đường có được như vậy đâu, nên tiền thu được ít hơn. Tiền thu ít nên chuyện mua phân bón đầu tư trở lại cho mía ít đi, cây mía không còn tốt nữa. Như vậy thì chuyển qua trồng cây mì hoặc nơi nào đất bị rửa trôi thì trồng cây keo cho đỡ công chăm bón hơn mà thu hoạch có khi nhiều tiền hơn trồng mía”.
Vì nhiều nguyên nhân mà những năm gần đây diện tích trồng mía ở Ba Tơ giảm dần. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, đến niên vụ năm 2014 - 2015 ở Ba Tơ chỉ còn 916ha mía, với năng suất bình quân 57,5 tấn/ha. Niên vụ 2015 - 2016, huyện phấn đấu trồng 1.010ha mía. Nhưng đến cuối tháng 5.2015, toàn huyện chỉ trồng được khoảng 820ha. Trong đó, có 751ha lưu gốc từ năm trước và khó có thể đạt được kế hoạch.
Mô hình trồng mía trên đất dốc gặp khó
Năm 2010, Nhà máy đường Phổ Phong triển khai mô hình “trồng mía trên đất dốc”. Lúc đó, sau khi bàn bạc thống nhất với huyện, Nhà máy đường Phổ Phong đưa cơ giới lên cải tạo đất và đưa giống mía mới vào trồng. Nông dân thấy nhà máy hỗ trợ đầu tư nên tích cực tham gia cải tạo vùng gò đồi để trồng mía. Nhờ sự nỗ lực của nhà máy, cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân nên năm đó ở Ba Tơ có 135ha mía được trồng theo mô hình này. Mỗi hec-ta làm đất để trồng mía trên đất dốc chi phí 5,6 triệu đồng, cộng với vôi, lân, phân NPK, hom mía giống hết khoảng 15 triệu đồng được nhà máy cho nông dân mượn.
Sau vụ thu hoạch đầu tiên nhà máy thu hồi 60% vốn đầu tư và năm sau thu phần còn lại. Nông dân thấy hiệu quả của việc đầu tư nên phấn khởi. Vụ mía đầu tiên trồng theo mô hình đạt 67 tấn/ha và vụ tiếp theo đạt trên 69 tấn/ha. Trên cơ sở này, huyện Ba Tơ tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía lên 1.000ha, trở thành vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những năm sau đó khi Nhà máy đường Phổ Phong không còn hỗ trợ đầu tư trồng mía trên đất dốc, người dân thiếu điều kiện chăm bón nên năng suất thấp dần, cộng với giá mía không tăng nên nhiều hộ trồng mía nản lòng. Họ chuyển sang trồng mì hoặc trồng keo nên diện tích mía ở Ba Tơ giảm dần.
Theo nhận định của lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, nếu Nhà máy đường Phổ Phong không tiếp tục tạo điều kiện cho dân mượn giống, phân bón, hỗ trợ làm đất cũng như cải thiện về giá thu mua thì khó phát triển vùng nguyên liệu. Bởi cuộc sống của hộ trồng mía nhìn chung còn nghèo và họ khó có điều kiện để chăm bón, phát triển vùng nguyên liệu mía, nhất là ở vùng gò đồi.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Văn Tánh, nông dân tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nổi tiếng ở địa phương vì mô hình làm nông không đụng hàng: trồng cỏ đậu phộng dại trong vườn tiêu sạch. Ông còn tận dụng nguồn cỏ này làm thức ăn nuôi dê để có thêm thu nhập.

Người dân dùng các loại lá cây có chất chua như lá giang, lá me và thuốc sát trùng để rơ miệng cho gia súc bị lở mồm long móng

Từ một mảnh đất rẫy cằn cỗi dưới chân Hòn Rồng, ông Nguyễn Đông Hải (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cải tạo, lập vườn, mở trang trại, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận (gọi tắt là trung tâm) đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành.

Ngay sau khi các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuyên bố kết thúc đàm phán, nhiều thông tin cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn…