Phát triển vụ Đông 2015 như một vụ chính

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2014, cơ cấu cây trồng vụ Đông có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích gieo trồng đạt 422.000 ha, sản lượng cây trồng toàn vụ ước đạt trên 4,1 triệu tấn, tăng 127.000 tấn so với vụ Đông 2013, tổng giá trị sản xuất cây vụ Đông cả nước ước đạt trên 20.000 tỉ đồng, giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 47 triệu đồng/ha. Trong đó, một số loại cây trồng có giá trị thu nhập cao như: Khoai tây 90 - 100 triệu đồng/ha; rau, đậu 65 - 70 triệu đồng/ha; hoa, cây cảnh 155 - 250 triệu đồng/ha; ớt 350 - 450 triệu đồng/ha…
Với chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT chỉ đạo phát triển vụ Đông 2015 như một vụ chính, quan trọng và là một mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng trên đất lúa, góp phần vào sự tăng trưởng của toàn ngành trong thời gian tới.
Nhóm cây trồng chủ lực được xác định là: Ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, các loại rau, đậu, trong đó, cây ngô được xem như cây chủ lực ở nhóm cây vụ Đông ưa ẩm. Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng toàn miền Bắc đạt 430.000 - 440.000 ha; tổng giá trị sản xuất từ 23.000 - 25.000 tỉ đồng; giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 55 triệu đồng/ha.
Tại buổi đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2014 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2015 các tỉnh, thành khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tập trung rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết.
Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất, tạo thành chuỗi sản xuất mang tính bền vững.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng các mô hình trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao; đề ra các biện pháp phòng, chống kịp thời sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến sản xuất vụ Đông.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ kiểm tra chất lượng giống, vật tư sản xuất, bám sát kế hoạch sản xuất của từng địa phương để có khuyến cáo kỹ thuật phù hợp; sớm xây dựng, chỉ đạo lịch tưới tiêu cho cây trồng theo từng vùng, khu vực.
Theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời tình hình sâu, bệnh, chuột hại; chủ động giới thiệu, cung cấp cho địa phương các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới trong sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng vụ Đông.
Có thể bạn quan tâm

Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực xuất hiện nhiều gia trại, trang trại, cánh đồng mẫu lớn mang lại thu nhập cao. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội Nông dân (HND) các cấp phát động trong những năm qua.

Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng khung thời vụ thích hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đối với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, điều hành sản xuất một cách hợp lý.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới thế nhưng có một nghịch lý là người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm. Được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn là nỗi lòng kéo dài nhiều năm qua của người nông dân.

Đã có những mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía, trong khi việc tận dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối, tham gia chuỗi giá trị sau đường cũng giúp một số nhà máy không những tồn tại được mà còn sống tốt trong thời điểm hiện nay.

Để có mã số xuất khẩu sang Mỹ, vùng trồng nhãn phải được canh tác trên cơ sở tiêu chuẩn VietGAP nhưng có kiểm soát của Cục Bảo vệ thực vật VN như phải bọc trái trước khi thu hoạch tối thiểu ba tuần, không được sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm sử dụng.