Phát triển vụ Đông 2015 như một vụ chính

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2014, cơ cấu cây trồng vụ Đông có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Với diện tích gieo trồng đạt 422.000 ha, sản lượng cây trồng toàn vụ ước đạt trên 4,1 triệu tấn, tăng 127.000 tấn so với vụ Đông 2013, tổng giá trị sản xuất cây vụ Đông cả nước ước đạt trên 20.000 tỉ đồng, giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 47 triệu đồng/ha. Trong đó, một số loại cây trồng có giá trị thu nhập cao như: Khoai tây 90 - 100 triệu đồng/ha; rau, đậu 65 - 70 triệu đồng/ha; hoa, cây cảnh 155 - 250 triệu đồng/ha; ớt 350 - 450 triệu đồng/ha…
Với chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT chỉ đạo phát triển vụ Đông 2015 như một vụ chính, quan trọng và là một mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng trên đất lúa, góp phần vào sự tăng trưởng của toàn ngành trong thời gian tới.
Nhóm cây trồng chủ lực được xác định là: Ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, các loại rau, đậu, trong đó, cây ngô được xem như cây chủ lực ở nhóm cây vụ Đông ưa ẩm. Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng toàn miền Bắc đạt 430.000 - 440.000 ha; tổng giá trị sản xuất từ 23.000 - 25.000 tỉ đồng; giá trị thu nhập bình quân đạt khoảng 55 triệu đồng/ha.
Tại buổi đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2014 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2015 các tỉnh, thành khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tập trung rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết.
Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất, tạo thành chuỗi sản xuất mang tính bền vững.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng các mô hình trình diễn tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao; đề ra các biện pháp phòng, chống kịp thời sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến sản xuất vụ Đông.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ kiểm tra chất lượng giống, vật tư sản xuất, bám sát kế hoạch sản xuất của từng địa phương để có khuyến cáo kỹ thuật phù hợp; sớm xây dựng, chỉ đạo lịch tưới tiêu cho cây trồng theo từng vùng, khu vực.
Theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời tình hình sâu, bệnh, chuột hại; chủ động giới thiệu, cung cấp cho địa phương các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới trong sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng vụ Đông.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa đông xuân năm nay, 40 hộ dân trong Tổ sản xuất giống ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười rất phấn khởi khi thu hoạch lúa trúng mùa, trúng giá. Đó chính là kết quả mà những hộ nông dân này gặt hái được khi tham gia cánh đồng liên kết sản xuất giống với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Nguyên ở ấp 2, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh từng bước xây dựng mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Giữa cánh đồng tràm giống cao sản rộng trên 3 hécta ở KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, cụ bà Hoàng Thị Vẻ nay đã 75 tuổi với nước da đen sạm đang chậm rãi cắt từng nhánh tràm non (hay còn gọi là hom tràm) giữa trời nắng nóng. Bà Vẻ cho biết, bà theo những người ở cùng KP.4 đi cắt hom tràm thuê được gần 4 năm nay, ngay từ lúc nghề này mới bắt đầu phát triển.

Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, như: sầu riêng, chôm chôm… trễ hơn cả tháng so với mọi năm. Thêm vào đó, ở giai đoạn ra hoa các loại cây ăn trái lại bị ảnh hưởng thất thường của mưa đầu mùa, gây ảnh hưởng mạnh đến năng suất, chất lượng.