Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Đột Phá Từ Khâu Con Giống

Phát Triển Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Đột Phá Từ Khâu Con Giống
Ngày đăng: 07/10/2014

Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản. Thế nhưng, việc sản xuất và cung ứng giống thuỷ sản tại chỗ trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.

Cung không đủ cầu

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở được phép sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản, gồm 8 cơ sở sản xuất giống tôm, 5 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, 4 cơ sở sản xuất cá nước ngọt, 2 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản nước mặn lợ. Hầu hết các cơ sở này đều tập trung chủ yếu ở Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Đông Triều. Các cơ sở sản xuất giống đều được thiết kế, bố trí vận hành, sử dụng hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện chất lượng con giống.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại đầm nuôi của gia đình anh Lê Văn Quyết, thôn Nhân Cao, xã Đại Bình (Đầm Hà).

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, các cơ sở này đã sản xuất và cung ứng cho người dân trên 98 triệu con giống cá nước ngọt, 448 triệu con tôm giống, 7 triệu con giống cá biển các loại, 120 triệu con giống nhuyễn thể các loại.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về con giống cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh là rất lớn, nhưng khả năng cung ứng giống tại chỗ còn hạn chế, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng con giống thuỷ sản mà các cơ sở giống này cung cấp mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người nuôi trồng thuỷ sản trong toàn tỉnh. Thực trạng này khiến không ít người dân phải nhập con giống từ những tỉnh, thành lân cận khác để nuôi trồng.

Cùng với đó, không ít người dân còn nhập con giống từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra liên tục trong thời gian qua... Điều này không chỉ gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch con giống mà còn gây ra thiệt hại không nhỏ cho chính người nuôi.

Chuyện về dịch bệnh đốm trắng và bệnh hội chứng hoại tử gan, tuỵ cấp tính trên tôm sú nuôi liên tiếp nhiều năm liền tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên là minh chứng rõ nét nhất. Theo báo cáo của huyện Tiên Yên, năm 2014, xã Hải Lạng đã có 110 hộ nuôi tôm bị dịch bệnh với diện tích nuôi là trên 307ha, bằng 44,5% tổng diện tích của toàn huyện, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Số lượng giống thả là trên 34 triệu con, trong đó số lượng con giống bị dịch bệnh bằng 35,9% giống thả. Một trong những nguyên nhân chính là do phong trào phát triển mạnh nhưng lượng con giống sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng nên không ít người nuôi đã nhập giống không rõ nguồn gốc, chất lượng con giống không đảm bảo về nuôi thả tại ao đầm nên vấn đề kiểm dịch khó thực hiện.

Khó khăn của việc mở rộng sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là do hầu hết các cơ sở sản xuất giống có quy mô nhỏ, chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa chủ động được việc sản xuất và cung ứng giống. Chính vì thế, việc sản xuất nguồn giống tại chỗ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Trợ lực mới

Từ thực tế có thể khẳng định, việc chủ động được số lượng con giống, chất lượng con giống sạch bệnh góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ thành công trong nuôi trồng thuỷ sản.

Vừa qua, với mục tiêu giải quyết một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế thuỷ sản, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (thuộc Tập đoàn BIM) triển khai thực hiện đầu tư dự án Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và Nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại xã Đại Bình (Đầm Hà). Dự án có quy mô 125 ha, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Hiện nay, Công ty đang khẩn trương thi công để sớm đưa dự án vào hoạt động trong quý II-2015. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi sản xuất, nuôi thực nghiệm giống thuỷ sản có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc Việt Nam, với những chủng loại giống được sản xuất đảm bảo chất lượng, sạch bệnh phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản của người dân Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với đó, hiện tỉnh cũng đang từng bước thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn với mục tiêu sản xuất 1,5 tỷ giống nhuyễn thể sạch bệnh, chất lượng cao, cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Bắc Bộ.

Được biết, ngoài các trại giống hiện có, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ tập trung đầu tư mới trại sản xuất tôm chất lượng cao ở Quảng Yên, dự kiến đến năm 2020 các cơ sở sản xuất giống này sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân.

Một tin vui khác, đó là vừa qua, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể, trong đó phát triển giống thuỷ sản là khâu đột phá. Trên cơ sở đó, hình thành các trung tâm giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới chủ động, đáp ứng nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Sắp xếp tổ chức lại các cơ sở sản xuất giống hiện có theo quy mô hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành trung tâm sản xuất giống công nghệ cao tại Đầm Hà; 2016, hoàn thành xây dựng trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tại Vân Đồn; 2017, chủ động được giống chủ lực thuỷ sản. Nhằm thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ 6 giải pháp thực hiện.

Theo đó, giai đoạn tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản, theo hướng điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ưu đãi.

Giai đoạn 2015 - 2020, hàng năm bố trí khoảng 3% vốn ngân sách tập trung của tỉnh cho phát triển giống và kết cấu hạ tầng thuỷ sản để tập trung nguồn lực và tạo đột phá trong phát triển kinh tế thuỷ sản, hướng tới sự bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả mô hình Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (Nam Định) Hiệu quả mô hình Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (Nam Định)

Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định) được thành lập từ đầu năm 2014 trên cơ sở hình thành từ cơ sở sản xuất nấm Tuấn Hiệp.

15/04/2015
Hồ tiêu mất mùa, giá cao doanh nghiệp vẫn khó thu mua Hồ tiêu mất mùa, giá cao doanh nghiệp vẫn khó thu mua

Hiện nay, mặc dù giá hạt tiêu đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng người trồng tiêu và kinh doanh mặt hàng này không vui.

15/04/2015
Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn đối với cây mía Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn đối với cây mía

Niên vụ mía năm 2015 - 2016, UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Mía đường Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) đối với cây mía tại ấp Long Hưng, có 28 hộ tham gia với diện tích 21,9ha.

15/04/2015
Khoai mì rớt giá Khoai mì rớt giá

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích trồng khoai mỳ (gần 8.000 ha), tuy nhiên sản phẩm khoai mỳ năm nay có giá thấp. Cụ thể, giá khoai mỳ xắt lát phơi khô trong tháng 2 -2015 còn 3.700 đồng/kg, giảm 1.300 đồng/kg so với tháng 1-2015.

15/04/2015
Nhện đỏ tấn công, “thiêu rụi” nhiều diện tích mì trồng Nhện đỏ tấn công, “thiêu rụi” nhiều diện tích mì trồng

Theo nông dân một số nơi trong tỉnh, từ trước Tết Ất Mùi đến nay, thời tiết khô nóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài dịch hại phát sinh, lây lan trên cây trồng. Trong đó nhiều diện tích mì bị nhện đỏ tấn công gây thiệt hại nặng nề.

15/04/2015