Phát Triển Nghề Nuôi Ếch

Trong những năm gần đây, nghề nuôi ếch Thái ở xã Mỹ Tân (Cái Bè - Tiền Giang) phát triển khá mạnh. Hiện xã có trên 60 hộ nuôi; trong đó, có khoảng 10 hộ vừa nuôi, vừa cung cấp ếch giống. Nhiều hộ khấm khá, có hộ trở nên giàu có từ nghề này cũng như nhờ kết hợp áp dụng mô hình nuôi ếch - cá.
Khá lên nhờ ếch
Ông Bùi Minh Sang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân cho biết: Do địa bàn xã trải dài theo sông Mỹ Lợi nên rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ếch. Xã có 4 ấp thì ấp nào cũng có hộ nuôi ếch với tổng số trên 60 hộ (có 20 hộ chăn nuôi quy mô lớn); trong đó, ấp 1 và ấp 4 có số hộ nuôi ếch nhiều nhất. Có hộ cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi ếch, có hộ kết hợp làm kinh tế phụ để cải thiện thu nhập.
Chú Nguyễn Văn Hương (ngụ ấp 3), Chủ trại ếch Tám Hương cho biết, chú gắn bó với nghề này đã hơn 4 năm. Trước đây, vợ chồng chú làm nghề mua bán trái cây, sau thời gian nuôi thử nghiệm ếch thịt thấy hiệu quả, chú mở trại và chuyển hẳn sang nghề sản xuất, cung cấp ếch giống.
Trại ếch của chú hiện có 21 ao (trải bạt nhựa trên mặt đất) với 1.000 ếch bố mẹ, 5.500 ếch thịt và hậu bị. Mỗi năm chú xuất bán từ 700-800 ngàn ếch giống (chủ yếu là các hộ đến từ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) với giá từ 500-1.500 đồng/con tùy thời điểm, đặc biệt nếu biết cách xử lý để ếch sinh sản vào mùa nghịch (làm buồng giữ ấm cho ếch bố mẹ khi thời tiết lạnh) thì giá bán sẽ còn cao hơn.
Bên cạnh đó, chú còn cung cấp ếch hậu bị với giá từ 120-150 ngàn đồng/con (sau 2 tháng sẽ đẻ), ếch mẹ 300 ngàn đồng/con (bắt về hôm sau đẻ). Theo chú Hương, hiện tại ếch giống đang có xu hướng tăng giá do giá ếch thịt đang nhích lên và nhiều nông hộ đang chuẩn bị vô mùa thả nuôi. Nhờ ếch, kinh tế gia đình chú khấm khá, 4 người con của chú được học hành đến nơi, đến chốn và đều có việc làm ổn định.
Kết hợp nuôi ếch + cá = hiệu quả kép
Anh Trần Văn Điền (ấp 3), cho biết: Anh phát triển nghề nuôi ếch đã 2 năm nay. Do khu đất ruộng của anh nằm ở vùng trũng, không làm được vụ lúa hè thu muộn nên để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như qua tìm hiểu, nghiên cứu một số mô hình mẫu, anh tiến hành đào 2 ao, mỗi ao rộng 500 m2 (đắp bờ bao xung quanh để ngăn lũ), trên mặt ao anh bố trí các vèo để nuôi ếch.
Để khai thác tối đa diện tích mặt nước và tận dụng nguồn phụ phẩm từ quá trình nuôi ếch, mỗi ao anh kết hợp thả nuôi 6 ngàn con cá tra. Sau 5 tháng thả nuôi, đàn cá tra đạt trọng lượng trung bình 0,7 kg/con, dự kiến sẽ xuất bán sau khi thu hoạch 6 lứa ếch thịt (khoảng 12 tháng); khi đó, anh sẽ có thêm nguồn thu nhập từ cá trong khi chỉ tốn tiền mua giống mà không phải tốn chi phí thức ăn. Như vậy, đầu tư một, anh thu lợi hai.
Còn anh Nguyễn Chí Gìn (ấp1), chủ trại ếch có diện tích 5.000 m2 nuôi 5 ngàn ếch bố mẹ, 50 ngàn ếch thịt và hậu bị. Mỗi tháng anh cung cấp 100 ngàn ếch giống cho các nông hộ trong, ngoài tỉnh. Anh còn bố trí các vèo nuôi ếch trên mặt ao có diện tích 1.000 m2 kết hợp thả nuôi cá trê trong ao. Kết thúc hai lứa ếch thịt (4 tháng), anh có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc thu hoạch cá trê.
“Các vèo ếch nên bố trí đều trên khắp mặt ao để dẫn dụ cá tập trung tại các đáy vèo tìm thức ăn nhằm giúp cá lớn nhanh và trọng lượng tương đối đồng đều hơn; Đồng thời chú ý kiểm tra, thay nước thường xuyên để tránh ô nhiễm nguồn nước có thể gây bệnh cho ếch” - anh Gìn chia sẻ kinh nghiệm
Theo kỹ sư Hồ Đại, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang, hiện nay nghề nuôi ếch Thái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt việc kết hợp mô hình nuôi ếch – cá sẽ mang lại hiệu quả kép do tận dụng nguồn phế phẩm từ việc nuôi ếch như: phân, da ếch, dịch nhờn tiết ra từ da ếch…(mỗi tuần ếch lột da một lần), vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để việc nuôi ếch mang lại hiệu quả bền vững, bà con nông dân nên nắm vững kỹ thuật nuôi, đời sống sinh lý của ếch; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phòng trị các bệnh thông thường cho ếch, chú ý xử lý kịp thời những bệnh xuất hiện khi thời tiết thay đổi đột ngột; đồng thời bà con cần chú ý không để nước trong ao, vèo bị ô nhiễm; nếu có ao chứa, xử lý và tiến hành thay nước thường xuyên cho ếch thì sẽ tốt hơn..
Có thể bạn quan tâm

Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp thu mua cá lóc cỡ 0,5 - 0,8kg/con với giá dao động 35.000 đồng - 38.000 đồng/kg (tăng hơn tuần trước 2.000 đồng/kg), giá cá tra thương phẩm từ 24.000 đồng - 24.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), giá lươn kích cỡ 200 - 300 gram/con bán trên - dưới 150.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), giá tôm loại I là 260.000 đồng/kg, loại II là 210.000đ/kg và loại III là 180.000 đồng/kg...

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Những năm gần đây, thời tiết rét đậm, rét hại thường xảy ra, làm ảnh hưởng tới đàn gia súc, gây thiệt hại cho nông dân trên địa bàn thành phố (Tp) Lào Cai. Để chủ động đối phó với thời tiết và rút kinh nghiệm từ những vụ rét trước, Tp. Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống đói, rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông về.

Có 4 điểm cần chú ý để phối trộn thức ăn TMR như phải cân thức ăn chính xác, thời gian trộn và trình tự đưa nguyên liệu thức ăn vào trộn. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng thức ăn TMR đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc quản lý thức ăn đã phối trộn cũng như cách thức cho ăn mới đảm bảo việc sử dụng thức ăn TMR hiệu quả.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã quyết định giảm giá bán phẩm, sau nhiều lần giá xăng dầu lao dốc. Thế nhưng, các đại lý kinh doanh mặt hàng này vẫn quyết giữ giá bán, gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi.