Phát Triển Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản Theo Hướng Công Nghệ Cao

Những năm qua, tôm nuôi của người dân ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, dịch bệnh trên tôm lây lan trên diện rộng.
Song, các ngành chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân tôm chết! Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp nuôi tôm tại Bạc Liêu đã xây dựng và đầu tư mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo công nghệ của Tập đoàn C.P (Thái Lan).
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính không chỉ giúp người nuôi tôm giảm bớt thiệt hại, chủ động phòng tránh rủi ro, mà còn cho lợi nhuận kinh tế cao. Qua quá trình nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm thành công từ các công ty có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, Sở KH-CN đã đặt hàng Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) để doanh nghiệp này thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN: “Đặt hàng các doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp quan trọng gắn khoa học - công nghệ với thực tiễn. Việc làm này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu của thực tiễn đặt ra và hạn chế việc nghiên cứu các đề tài, dự án cất vào ngăn kéo vì khó ứng dụng vào thực tiễn”.
Theo Sở KH-CN, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà kính gồm xây nhà màng bao phủ các ao nuôi, lót bạt dưới đáy và xung quanh thành ao, lắp đặt hệ thống quạt, ô-xy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn tự động, hệ thống kiểm soát các yếu tố môi trường, dịch bệnh, hệ thống lọc sinh học (biofilter) tuần hoàn khép kín…
Mô hình đầu tư khá hiện đại và khép kín này có thể nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao (từ 200 - 300 con/m2). Tôm sau 100 - 105 ngày nuôi là có thể thu hoạch (đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg), năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha, giá bán trên thị trường bình quân 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tôm nuôi trong nhà kính bên cạnh ưu điểm như dễ kiểm soát môi trường, tôm nuôi còn tăng trưởng nhanh, bóng và đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính thành công sẽ góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới. Đó là phương thức khai thác mang tính hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích mặt nước.
Đồng thời, hình thành mô hình sản xuất kết hợp kiểu mới, quy mô sản xuất từng bước nâng cao dần, thực hiện với trình độ kỹ thuật nuôi thủy sản tiên tiến, chủ động trong tất cả các khâu sản xuất từ chuẩn bị cải tạo hệ thống sản xuất, con giống, thức ăn, quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh đến giai đoạn tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm với năng suất cao, chất lượng tốt, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Qua đó, góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm. Đặc biệt là đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất khi thị trường tiêu thụ sản phẩm biến động về giá…
Nguồn bài viết: http://baobaclieu.vn/newsdetails/1D3FE183474/Phat_trien_mo_hinh_nuoi_trong_thuy_san_theo_huong_cong_nghe_cao.aspx
Có thể bạn quan tâm

Cung cấp nước tưới giúp khai hoang, tăng diện tích sản xuất lúa 2 vụ; cung cấp gỗ để làm nhà; tăng thu nhập từ các sản phẩm lâm sản phụ. Và mới đây nhất là 42/42 hộ của bản Mới được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Sau 5 năm huyện Sơn Hà kiên trì triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Huyện Sơn Hà đang nỗ lực thực hiện những giải pháp mới nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đưa ra gói hỗ trợ vốn cho con tôm, thông qua việc gia tăng mức tín dụng để các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm trên diện tích 1.811 ha, đạt 73% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh và giảm 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt độ cao, nên đã xảy ra dịch bệnh tôm nuôi.

Đó là nội dung được nêu trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2014. Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp ới các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định trình ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.