Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong chăn nuôi, huyện Phú Tân (An Giang) đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển đàn bò lai cao sản ở địa phương, góp phần giúp nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ tiền vận chuyển, vaccine tiêm phòng cho 300 con bò thịt và chi phí gieo tinh cho bò cái lai. Đồng thời, hỗ trợ cho bà con vay vốn 10 triệu đồng/con bò cái sinh sản, với lãi suất 0% trong 2 năm. Lãnh đạo UBND huyện Phú Tân và một số ngành chức năng huyện cũng đã khảo sát thực tế một số mô hình nuôi bò lai trên địa bàn huyện.
Theo đó, đoàn đã đi tham quan thực tế mô hình nuôi bò của hộ ông Nguyễn Văn Sánh (thị trấn Chợ Vàm) và hộ ông Dương Hoài Phong (xã Phú An). Hai hộ này thường xuyên nuôi từ 8 đến 12 con bò theo mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản, thường xuyên đổi mới trong chăn nuôi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế. “So với nuôi bò thường, bò lai rất dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu là rơm ủ, bã rau muống, cây chuối… Đàn bò của tôi đang sinh trưởng và phát triển tốt”- ông Sánh hồ hởi.
Sau khi khảo sát, lãnh đạo UBND huyện đánh giá nuôi bò là một trong những mô hình mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo. Để mô hình nuôi bò phát triển hiệu quả, lãnh đạo UBND huyện Phú Tân yêu cầu các hộ nuôi cần thực hiện đúng các quy trình mà ngành chức năng đã khuyến cáo.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng huyện theo sát, hướng dẫn các chủ hộ cách thức nuôi, quy trình chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản; định kỳ tiêm chủng phòng ngừa một số loại bệnh trên đàn gia súc như tụ huyết trùng... để không gây ra thất thoát cho những hộ nuôi. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.
Gắn với giảm nghèo
Vốn là hộ nghèo, không có đất sản xuất ở địa phương, nhưng nhờ được UBMTTQVN huyện hỗ trợ mua 2 con bò, gia đình ông Tăng Văn Bé (ấp Tân Phú, xã Phú Lâm) đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định. “Cách đây hai năm, gia đình tôi được hỗ trợ mua 2 con bò, với số tiền 29 triệu đồng, sau 6 tháng nuôi bán được 41 triệu đồng. Không dừng ở đó, tôi tiếp tục đầu tư 42 triệu đồng mua thêm 2 con bò, sau đó bán được 53 triệu đồng. Như vậy, sau 10 tháng nuôi, trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 23 triệu đồng”- ông Bé chia sẻ.
Cùng được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua 2 con bò, ông Cao Văn Cuôi (ấp Phú Đông, xã Phú Long) mạnh dạn tham gia học lớp kỹ thuật chăn nuôi bò ở địa phương. Trong quá trình nuôi, ông Cuôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng việc áp dụng kiến thức được học qua lớp tập huấn nên ông Cuôi ngày càng thành thạo các kỹ thuật nuôi bò. “Tôi đã áp dụng các kỹ thuật được học vào khâu chuẩn bị chuồng trại trước khi đem bò về, quan trọng là chọn nơi rộng rãi thoáng mát.
Đặc biệt, phải đảm bảo vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, giúp bò được mạnh khỏe, không bị bệnh bất thường”- ông Cuôi phân tích. Sau 12 tháng nuôi, khi xuất bán 2 con bò được 55 triệu đồng, trừ chi phí, ông Cuôi thu lợi nhuận 21 triệu đồng. Theo ông Cuôi, mô hình nuôi bò vỗ béo có lợi nhuận cao, nên từ đồng lãi có được đã đầu tư mua lại 1 con bò để tiếp tục nuôi bò vỗ béo. Số tiền còn lại thì hoàn trả vốn cho UBMTTQVN huyện Phú Tân để có thể giúp những hộ khác vươn lên thoát nghèo.
“Trong quá trình nuôi, chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng trước giai đoạn vỗ béo. Đặc biệt, phải có khẩu phần ăn hợp lý, giảm mức tiêu tốn thức ăn, từ đó rút ngắn thời gian nuôi nhưng thu được tối đa khối lượng thịt qua quá trình vỗ béo, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng lợi nhuận”.
Có thể bạn quan tâm

Phát hành Bản tin Xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bắc Quang là cách làm sáng tạo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM huyện Bắc Quang. Việc làm này nhằm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phát huy được vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hiện nay, do đang bước vào đầu mùa mưa nên tình hình dịch hại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên cây mía, trong đó đáng lo ngại nhất là đối tượng sâu đục thân. Chính vì vậy, để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng chống các đối tượng sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Ở Quảng Trị sau ngày giải phóng, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thiên tai hoành hành thường xuyên đã biến những thôn làng trù mật trước đây thành “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” (Chế Lan Viên).

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vụ hè thu năm nay, tình hình khô hạn, thiếu nước ở một số khu vực trong tỉnh vẫn tiếp diễn nên các địa phương cần triển khai sản xuất đúng theo cơ cấu giống và lịch thời vụ để đảm bảo kế hoạch.

Sau lô hàng đầu tiên đi Mỹ, cuối tuần này, khoảng 3 tấn vải của Hải Dương sẽ được doanh nghiệp thu mua, chiếu xạ và chuyển tiêu thụ ở Australia.