Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Con Giống Vật Nuôi Bản Địa Người Chăn Nuôi Thờ Ơ

Phát Triển Con Giống Vật Nuôi Bản Địa Người Chăn Nuôi Thờ Ơ
Ngày đăng: 13/06/2013

Ngành chăn nuôi hiện đang sử dụng nhiều loại con giống khác nhau, nhưng chủ yếu là giống nhập khẩu. Người dân không mặn mà với việc chăn nuôi từ con giống nội địa như trước bởi năng suất thấp, hiệu quả không cao. Một số nơi còn cung cấp con giống kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Khó nhân rộng...

Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đang quản lý 59 loại con giống vật nuôi trong chương trình bảo tồn gien vật nuôi bản địa, trung bình hằng năm có 35 loại con giống được đưa vào danh sách bảo tồn và có 28 loại giống sau khi bảo tồn thành công được vào sản xuất. Ngoài những giống vật nuôi lai tạo, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang tập trung đưa những giống vật nuôi bản địa, chất lượng tốt như gà mía ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), vịt cỏ (Vân Đình, Ứng Hòa)… vào chăn nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít hộ tham gia vào công tác bảo tồn gien cũng như nuôi các loại vật nuôi này, khiến công tác nhân rộng gặp nhiều khó khăn.

Huyện Ứng Hòa, "trung tâm" chăn nuôi vịt của Hà Nội, nơi đâu cũng thấy biển hiệu chào bán vịt cỏ (Vân Đình) nhưng thực chất vịt cỏ không nhiều mà người dân chủ yếu nuôi vịt cánh trắng. Anh Nguyễn Văn Tuyển, một chủ hộ chăn nuôi vịt, cho biết: "Hiện ở Ứng Hòa nói chung và Vân Đình nói riêng còn rất ít hộ giữ được giống vịt cỏ mà hầu hết chuyển sang nuôi vịt cánh trắng. Nguyên nhân là vịt cỏ năng suất thấp, lớn chậm và trọng lượng thấp, mỗi con chỉ khoảng 1,5kg-1,8kg mà phải nuôi 70 ngày mới được xuất chuồng. Trong khi đó, nuôi vịt bầu cánh trắng chỉ mất 50 ngày là xuất chuồng, với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con, hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, trên thị trường giá bán của hai giống vịt không chênh nhau nhiều nên các hộ nuôi vịt không mặn mà với giống vịt cỏ truyền thống". Còn anh Dũng, một hộ nuôi vịt cỏ ở xã Vạn Thái khẳng định, ở Ứng Hòa chỉ duy nhất trang trại của gia đình anh đang nuôi 1.000 con vịt cỏ giống. Nhưng lượng bán cũng không nhiều vì hầu hết các hộ chuyển sang nuôi vịt cánh trắng.

Khác với giống vịt cỏ Vân Đình, giống gà mía ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) được rất nhiều hộ nuôi, bởi giá trị kinh tế cao nhưng do nuôi cùng với các giống gà khác nên dễ bị thoái hóa giống. Để bảo tồn giống gà mía này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang hỗ trợ 20 hộ nuôi với số lượng khoảng 4.500 con để cung cấp cho thị trường. Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, khó khăn nhất đối với việc phát triển giống vật nuôi bản địa chính là khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nếu không có định hướng và quy hoạch, người dân nuôi không đúng kỹ thuật sẽ gây thoái hóa giống, giảm chất lượng vật nuôi và khi có lãi, người dân đồng loạt nuôi sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Quá nhiều việc phải làm

Để giúp người chăn nuôi giống bản địa gắn kết làm tăng giá trị sản phẩm, tăng quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm được quản lý và thị trường tiêu thụ ổn định, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quyết định. Theo ông Tạ Văn Tường, thời gian tới trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương lập hồ sơ đăng ký thương hiệu sản phẩm; đào tạo, tập huấn cho người dân tìm các đối tác là doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải vào cuộc quyết liệt trong việc hỗ trợ người nuôi về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Dự kiến, nếu như thị trường tiêu thụ tốt, trung tâm sẽ giúp đỡ các hộ dân ở xã Đường Lâm nuôi 20.000 con gà mía để đủ phục vụ thị trường.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, để phát huy thế mạnh của các giống vật nuôi bản địa, cần có những thông tin hướng dẫn người nuôi về chọn giống, quy trình chăn nuôi, khuyến khích các hộ nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư và thực hiện chương trình quốc gia về bảo tồn, cải tiến và phát triển các giống vật nuôi bản địa, chú trọng các giống đang tiêu thụ tốt trên thị trường. Đối với các cơ sở, hộ sản xuất giống, cần làm tốt công tác chọn lọc, nhân giống, tránh thoái hóa; các ngành chức năng cần khuyến cáo người dân nên mua giống ở những cơ sở bảo đảm chất lượng để phát huy hiệu quả tốt nhất.


Có thể bạn quan tâm

Vận động phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới Vận động phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Sáng 18.10, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.

21/10/2015
Liều thuốc bổ cho cây vụ đông Liều thuốc bổ cho cây vụ đông

Sau khi thu hoạch xong lúa mùa sớm, nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã bắt tay ngay vào gieo trồng cây vụ đông sớm và đang tích cực chuẩn bị gieo trồng vụ đông chính vụ.

21/10/2015
Kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng tại T.Ư Hội NDVN Kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng tại T.Ư Hội NDVN

Sáng 19.10, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN) Trung ương do Thượng tướng, PGS-TS Võ Tiến Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng giáo dục QPAN Trung ương.

21/10/2015
Thiếu trầm trọng kho lạnh bảo quản nông sản Thiếu trầm trọng kho lạnh bảo quản nông sản

Bà Lê Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) cho biết như vậy tại buổi họp báo ngày 19.10 về Festival Nông nghiệp 2015. Theo bà Hương: Hiện tại, hệ thống kho chứa bảo quản lúa, gạo đã có khối lượng lớn.

21/10/2015
Bớt nghèo nhờ năng động làm ăn Bớt nghèo nhờ năng động làm ăn

Xã Bình Giang từng là địa phương nghèo nhất nhì của vùng cát trắng Thăng Bình (Quảng Nam). Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Giang đã ra khỏi danh sách xã nghèo với những bước chuyển mình ngoạn mục.

21/10/2015