Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển cây ném và xây dựng thương hiệu Ném củ vùng cát Hải Lăng

Phát triển cây ném và xây dựng thương hiệu Ném củ vùng cát Hải Lăng
Ngày đăng: 16/09/2015

Những năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ ném ngày càng tăng cao đã tạo ra sức hút mạnh đối với người dân vùng cát Hải Lăng (Quảng Trị) trong việc chuyển đổi cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế của vùng cát hoang hóa.

Cây ném vùng cát Hải Lăng đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương

Năm 2011, toàn huyện canh tác được 75 ha ném thì đến năm 2015, Hải Lăng đã phát triển được gần 170 ha, trong đó tập trung ở 14 xã như Hải Dương, Hải Thiện, Hải Quế, Hải Ba, Hải Thọ, Hải Vĩnh, Hải Quy... Trong số các xã kể trên, Hải Dương là địa phương có số diện tích trồng ném lớn nhất.

Ông Phan Ngọc Quỳnh, cán bộ nông nghiệp xã Hải Dương cho biết, những năm gần đây nhận thấy hiệu quả kinh tế rất cao từ cây ném mang lại, đồng thời góp phần cải tạo vùng cát, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích, xã Hải Dương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển cây ném. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 48,5 ha với hàng trăm hộ tham gia trồng ném.

Cây ném đã góp phần cải tạo vùng cát, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nói về hiệu quả kinh tế mang lại từ cây ném, anh Phan Văn Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Dương, xã Hải Dương cho biết: So với các loại cây trồng khác, ném cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Trên 1 sào canh tác ném với thời vụ khoảng 4 tháng, năng suất bình quân đạt 3 tạ/sào sẽ cho thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng, như vậy 1 ha cho thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng.

Đặc biệt, ném là loại cây dễ trồng, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương và ít bị sâu bệnh, ai cũng có thể tham gia trồng ném.

Hiện tại toàn Hợp tác xã Đông Dương có 80 hộ canh tác trên diện tích 12 ha và hầu hết các hộ đều tham gia sản xuất ném chất lượng cao, trong đó có những hộ trồng từ 5 - 7 sào.

Nhờ cây ném, nhiều xã viên đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, cuộc sống ngày càng khấm khá. Ném vùng cát Hải Lăng hiện rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng với đặc điểm thơm hơn ném các nơi khác, cây cao, lá ít xốp. Đến khi ném già lấy củ thì củ ném cũng lớn hơn so với trồng ở các vùng khác nhiều.

Để cây ném phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, theo ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, ngoài việc hỗ trợ nhân giống, kỹ thuật canh tác, huyện còn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho ném vùng cát Hải Lăng.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu cho sản xuất nông nghiệp vùng cát” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung đã triển khai dự án trồng ném trên cát tại xã Hải Quế, giai đoạn 2 từ tháng 7/2012 đến tháng 9/2014 với mục tiêu chính là nhân rộng các mô hình sản xuất đã thành công; hỗ trợ xác lập thương hiệu, kết nối thị trường...

Sau một thời gian dài kết nối sản phẩm cây ném với thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, hướng đến sản nông nghiệp sạch và bền vững, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị, UBND xã Hải Quế đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu ném vùng cát Hải Lăng.

Theo đó, nhãn hiệu ném vùng cát Hải Lăng đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hồ sơ công bố chất lượng ném vùng cát Hải Lăng đã được thẩm định và chứng nhận nhãn hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng - Cơ sở sản xuất: Thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị”.

Văn bản chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ xét nghiệm mẫu đất, mẫu hạt ném đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, bộ nhãn mác, logo được các bên công nhận. Hiện tại Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể để 13 Hợp tác xã tham gia sản xuất ném cùng ký kết thực hiện nhằm quản lý và phát triển nhãn hiệu.

Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho rằng, việc xây dựng thành công nhãn hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng” sẽ giúp người dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng, đồng thời kết nối với các địa phương sản xuất ném vùng cát toàn huyện trong việc tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trồng ném.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục có các chính sách khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa vùng cát đưa vào trồng ném, hình thành các vùng chuyên canh ném tập trung, sản xuất theo quy mô nhóm hộ nhằm góp phần phủ xanh vùng cát, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Hoa Quả Rộ Mùa Nhưng... Lại Rớt Giá Hoa Quả Rộ Mùa Nhưng... Lại Rớt Giá

Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp liên tiếp tái diễn khiến nông dân “hụt hơi” trên mảnh đất của mình. Tháng 5, tháng 6 hàng năm là cao điểm mùa thu hoạch các loại trái cây của các nhà vườn như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, măng cụt…

14/06/2013
Hiệu Quả Bước Đầu Của “Cánh Đồng Một Giống” Hiệu Quả Bước Đầu Của “Cánh Đồng Một Giống”

Với việc sản xuất tập trung, sử dụng một loại giống lúa, cùng áp dụng một biện pháp canh tác, những mô hình “cánh đồng một giống” được triển khai trong vụ xuân năm 2013 tại huyện Phú Bình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

14/06/2013
Thâm Canh Sản Xuất Lúa Nước Ở Xã Phước Thắng Thâm Canh Sản Xuất Lúa Nước Ở Xã Phước Thắng

Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ tháng 4-2012, xã Phước Thắng (Bác Ái) đã triển khai mô hình thâm canh sản xuất lúa nước trên diện tích 20 ha, với sự tham gia của 25 hộ dân. Sau 2 vụ sản xuất, đến nay các hộ dân đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, cây lúa cho năng suất, hiệu quả khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

14/06/2013
Mô Hình Nuôi Gà Sao Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Vị Xuyên Mô Hình Nuôi Gà Sao Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Vị Xuyên

Một trong những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi gà sao đạt hiệu quả kinh tế cao ở Hà Giang là gia đình chị Nguyễn Thị Oanh tổ 15 - thị trấn Vị Xuyên.

14/06/2013
Trồng Cam Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trồng Cam Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Theo quốc lộ 14 đi thành phố Buôn Ma thuột, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 20 km chúng tôi ghé vào thôn 11 xã Nâm Njang thăm một gia đình nông dân sản xuất giỏi - anh Hoàng Quốc Hùng.

14/06/2013