Phát Huy Vai Trò Của Các HTX Chuyên Ngành Thủy Sản

Được thành lập từ năm 2010, đến nay, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú) đã nổi lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Lương Tài (Bắc Ninh) với nhiều mô hình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc thành lập các HTX thủy sản như vậy được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực để phát huy tiềm năng thủy sản của vùng đất này.
Ông Đinh Viết Huy, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Lúc mới đấu thầu, tôi và hàng chục hộ ở Phú Thọ không ai ngờ lại có thể sống tốt với con cá như vậy. Đến năm 2010, anh em mới bàn nhau thành lập HTX để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, giờ thì hoạt động của HTX đã đi vào quy củ và trở thành điểm tựa vững chắc của các hộ”.
Theo ông Huy, HTX có tất cả 24 thành viên, ban đầu các hộ chỉ đơn thuần chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn và ương giống cá, mật độ thả cá, vệ sinh ao nuôi, các loại thuốc phòng bệnh,… thông qua những buổi sinh hoạt thực tế và những buổi tập huấn do HTX mời cán bộ chuyên môn về giảng dạy.
Từ việc sử dụng thức ăn tận dụng, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư thêm thức ăn công nghiệp để nuôi thâm canh cho hiệu quả cao. Việc quy hoạch khu nuôi trồng được trao đổi để thuận lợi cho từng hộ và cho cả diện tích 13 ha nuôi trồng của HTX.
Với vai trò đại diện tập thể, HTX đứng ra giúp thành viên tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Hàng năm, HTX mua gần 100 triệu con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như chép lai ba máu, rô phi đơn tính, cá trôi, cá mè, cá trắm đen… với giá được hỗ trợ 50%, giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào.
Kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện cấp nguồn điện 3 pha để chạy các máy quạt nước tạo sóng, bảo đảm môi trường cho các ao nuôi.
Trên nguyện vọng và nhu cầu chung, năm 2014, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ huy động các nguồn lực để mở đại lý thức ăn thủy sản, trước hết phục vụ cho các thành viên trong HTX và sau đó là cho các hộ nuôi trồng. Được biết, với đại lý này, các hộ thành viên có thể mua cám công nghiệp rẻ hơn 12 - 17% so với mua giá thông thường.
Nhờ sự hợp tác, cùng nhau làm kinh tế, đến nay, hầu hết các hộ trong HTX có doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. Anh Ngô Xuân Trường, một điển hình nuôi cá của HTX cho biết: “Với kinh nghiệm đã tương đối vững vàng, các ao nuôi của chúng tôi không bao giờ lo mất trắng mà đều đặn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng với sự giúp đỡ của HTX về kỹ thuật và phương hướng sản xuất, các hộ ngày càng mạnh dạn đầu tư thâm canh hơn”.
Giờ đây, các thành viên hoàn toàn tin tưởng vào HTX, các hộ nuôi trồng khác cũng muốn tham gia vào mô hình làm kinh tế tập thể này. Vì vậy, thời gian tới, HTX dự định sẽ kết nạp thêm 8 - 10 thành viên và cùng tìm ra hướng kinh doanh bài bản hơn.
Được biết, huyện Lương Tài có 7 HTX chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Nhiều HTX phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế của các hộ thành viên như HTX nuôi trồng thủy sản An Trụ (xã An Thịnh), HTX Nuôi cá nước ngọt Bình Minh (xã Trừng Xá)…
Tuy nhiên theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Lương Tài, vai trò của các HTX hiện nay mới chủ yếu thể hiện ở việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, còn các khâu đầu vào, đầu ra rất hạn chế, đặc biệt là chưa HTX nào tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Do không có tài sản thế chấp, nhiều HTX không tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thức ăn và thuốc phòng bệnh. Mặc dù vậy, trong điều kiện diện tích mặt nước không thể tăng lên, chủ trương của huyện Lương Tài là khuyến khích phát triển các HTX chuyên ngành theo Luật HTX mới, trong đó, chú trọng đến các HTX nuôi trồng thủy sản nhằm kết nối, tập hợp các hộ nuôi trồng cùng nhau sản xuất, nâng cao giá trị canh tác tại các vùng trũng và tăng thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Không những là một bí thư Đảng uỷ đầy trách nhiệm, năng động của xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), thạc sĩ chuyên ngành lâm nghiệp Lý Văn Diểng (dân tộc Sán Dìu) còn được biết đến là người say mê khoa học và thành công trong nhiều dự án như ươm nấm chẹo, nhân giống bạch đàn mô, ba kích hom... Đặc biệt, mới đây nhất, với việc thành công trong dự án thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên, anh còn được mọi người ưu ái gọi bằng biệt danh “Vua gà Tiên Yên”.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đại gia súc từ cỏ ủ chua, cây bắp và các phế phẩm nông nghiệp mới phát triển mạnh tại Đồng Nai trong vài năm trở lại đây. Mặt hàng này chủ yếu chỉ xuất khẩu sang một số nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng với sự lan rộng của phong trào nuôi bò sữa và nhập khẩu bò Úc nguyên con về vỗ béo đã mở ra cơ hội về thị trường nội địa của dòng sản phẩm này.

Sau một thời gian bị choáng ngợp bởi những lời giới thiệu có cánh về thịt bò ngoại, người tiêu dùng tỉnh táo nhận ra rằng hàng ngon cũng có mà hàng dở cũng nhiều!

Từ cây ăn trái “vô danh”, đến nay mãng cầu Xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) với vùng chuyên canh mở rộng lên đến 850 ha. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, cây trồng này đang đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Cây ăn trái được xác định là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của vùng ĐBSCL, tuy nhiên việc phát triển vườn cây ăn trái chưa được như mong muốn bởi giá cả lên xuống thất thường, đầu ra thiếu ổn định. Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn, chất lượng cao để phục vụ tiêu thụ nội địa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang là vấn đề cấp bách đặt ra.