Phát Huy Tốt Vai Trò Của Thú Y Viên Cơ Sở

Hiện nay, Hà Nội có trên 2.000 thú y viên. Với lực lượng khá đông như vậy, đã góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ, đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.
Mặc dù vậy, để phát huy tốt vai trò của lực lượng này trong công tác kiểm soát, dự báo tình hình dịch bệnh, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Nhiều khó khăn
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước diễn biến phức tạp, 34 tỉnh, TP có dịch cúm gia cầm với hơn 135.700 con gia cầm phải tiêu hủy và 9 tỉnh có dịch lở mồm, long móng với hơn 1.100 con gia súc mắc bệnh.
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội chỉ xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ như lở mồm, long móng nhưng đã được khống chế, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, lấy mẫu giám sát dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc môi trường và kiểm dịch động vật cũng được thực hiện hiệu quả.
Có được những kết quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của TP, Sở NN&PTNT, còn có sự vào cuộc tích cực của đội ngũ thú y viên cơ sở. Hiện nay, toàn TP có 530/584 xã, phường thị trấn có Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y và 2.422 thú y viên thôn, bản.
Tuy nhiên, lực lượng thú y viên cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định về năng lực. Bà Đỗ Thị Tú - Trạm trưởng Trạm Thú y quận Đống Đa chia sẻ, nhiều cán bộ thú y phường, xã trẻ có trình độ tin học tốt, nhanh nhạy nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y nên chưa phát huy được vai trò tại cơ sở.
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, một số trạm thú y chưa tham mưu kịp thời cho UBND huyện ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về công tác phòng chống dịch bệnh. Một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi đạt thấp. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư phục vụ hoạt động chuyên môn của các Ban Chăn nuôi - Thú y cơ sở vẫn còn thiếu thốn.
Nâng cao tính chủ động
Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước với 1,4 triệu con lợn, gần 170.000 con trâu bò và 23,5 triệu con gia cầm. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm động vật cũng rất lớn, khoảng hơn 700 tấn thịt các loại/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60% số hộ chăn nuôi, trong khi các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp và tập trung thủ công mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng thịt của toàn TP, còn lại có tới hơn 2.500 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Chính vì thế, vai trò của lực lượng thú y viên cơ sở càng trở nên quan trọng hơn trong việc đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và kiểm soát giết mổ.
Ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm của ngành thú y là tập trung nâng cao tỷ lệ và hiệu quả tiêm phòng cho vật nuôi. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, xử lý triệt để ngay từ đầu.
Ông Sơn đề nghị, đối với Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y cấp xã, phường, thị trấn, TP tạo điều kiện được hưởng chế độ như viên chức. "Nếu đủ tuổi nghỉ chế độ thì được đóng bảo hiểm để hưởng chế độ nghỉ hưu, nếu không đủ tuổi đóng bảo hiểm để nghỉ hưu thì vẫn được ký hợp đồng lao động, hưởng lương như viên chức để tránh lãng phí nguồn nhân lực lâu năm" - ông Sơn đề xuất.
Tại buổi làm việc với Chi cục Thú y mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở cần làm tốt công tác dự báo, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, lực lượng thú y viên cơ sở phải nâng cao tính chủ động trong công việc, tham mưu cho UBND xã, thị trấn xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, đảm bảo 2 tiêu chí là không có nguồn bệnh lây lan và xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
Có thể bạn quan tâm

Trong những hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu (Quảng Ninh), mô hình nuôi giun quế do huyện Đoàn triển khai được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết được nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa làm sạch môi trường...

Bạc Liêu được mệnh danh là đất của tôm - lúa khi nghề nuôi tôm đã đạt được nhiều “thành tích lẫy lừng”: đa dạng về mô hình, ổn định về năng suất và ấn tượng trong hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng nuôi khác, sự bền vững vẫn là điều khiến nông dân và các ngành chức năng lo ngại.

Với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp bán trứng, nuôi cá rô phi, cá tràu (cá quả) mỗi năm gia đình ông Lê Công Nhược (56 tuổi), thành viên CLB Chăn nuôi huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thu gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí.

Bộ NN-PTNT ngày 27.4 cho biết, hiện giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm mạnh, chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 - 7.500 đồng/kg so với cách đây 3 tháng.

Chăn nuôi bò sữa đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững tại một số huyện ngoại thành Hà Nội. Để mô hình phát triển nhanh và vững chắc, Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) và Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi quốc gia) triển khai xây dựng Trang trại mẫu nuôi bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì. Đây là mô hình tiêu biểu thể hiện sự liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân và cũng là trang trại kết hợp đào tạo đầu tiên ở Việt Nam.