Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản
Ngày đăng: 18/10/2013

Hải Hà (Quảng Ninh) là một huyện có đường bờ biển kéo dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng để phát huy lợi thế ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Hướng mạnh vào nuôi trồng

Với 3.594,47ha đất ven biển trong đê và đất bãi triều có khả năng nuôi trồng thuỷ sản, trong những năm qua, huyện Hải Hà đã tập trung mũi nhọn phát triển kinh tế ngư nghiệp và hướng mạnh vào nuôi trồng. Từ việc nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến của người dân là chủ yếu, nay đã chuyển dần sang hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh với năng suất và sản lượng tăng cao.

Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm của gia đình anh Hoàng Văn Tâm, ở thôn 3 là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Quảng Điền. Được triển khai theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Chi cục nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, đầu tháng 5-2013, gia đình anh Tâm đã thả 3 vạn con giống cá rô phi thương phẩm trên diện tích 1,5ha ao đầm chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.

Sau gần 5 tháng, cá rô của hộ gia đình anh đã sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng đạt từ 0,5 đến 0,7kg/con. Dự kiến khi thu hoạch, sản lượng sẽ đạt từ 8 đến 10 tấn cá thương phẩm, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Từ hiệu quả của mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở xã Quảng Điền, hiện nay toàn huyện Hải Hà đã chuyển đổi thành công và mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản lên tới 200ha. Trong đó, tập trung nuôi một số giống cá như: Rô phi thương phẩm, cá rô đầu vuông…

Đối với các mô hình nuôi trồng được huyện hỗ trợ theo chương trình xây dựng NTM cũng đã được nhân rộng từ 5ha nuôi thử nghiệm nay đã lên tới hơn 40ha, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Quảng Điền, Quảng Thịnh, Quảng Long, Đường Hoa. Ngoài ra, huyện đang tổ chức nhân rộng mô hình nuôi cua xanh thương phẩm. Đây là mô hình được thử nghiệm thành công tại xã Tiến Tới vào năm 2012. Được biết, trừ chi phí, mô hình này cho lợi nhuận trung bình đạt 175 triệu đến 190 triệu đồng/ha.

Ông Hoàng Phi Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Hà cho rằng, sự thành công của các mô hình kinh tế trên địa bàn các xã là điểm tựa quan trọng cho kinh tế nông thôn và sự thay đổi diện mạo của khu vực này. Do đó, trong thời gian tới huyện Hải Hà tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, có hình thức hỗ trợ hộ nông dân trong quá trình sản xuất và không ngừng nhân rộng các mô hình ra nhiều địa bàn.

Để phát triển bền vững

Mặc dù, đã có những bước tiến đáng kể nhưng việc phát huy lợi thế ven biển để phát triển kinh tế của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Huyện có 11/16 xã nằm ở ven biển và cửa sông ven biển trong đó có 1 xã đảo Cái Chiên địa hình phức tạp, điều kiện đi lại khó khăn, vì vậy công tác tập huấn chuyển giao khoa học tiến bộ tới người dân còn hạn chế. Trong khi đó, nhân dân chưa biết tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển kinh tế, giá cả, đầu ra của sản phẩm thuỷ sản còn nhiều biến động.

Do chưa có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản tại huyện, ngư dân phải mua gom, mua từ tỉnh ngoài không qua kiểm dịch nên chất lượng con giống không đảm bảo, ảnh hưởng tới năng suất của người nuôi trồng. Ý thức sản xuất giữ gìn vệ sinh khu vực nuôi bãi triều của người nuôi trồng còn nhiều hạn chế, dẫn tới việc kiểm soát dịch bệnh trên đối tượng nuôi gặp nhiều khó khăn.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng và phát triển, sử dụng một cách bền vững những lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản ven biển, huyện Hải Hà tiếp tục tập trung đến các vùng nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh gắn với quy hoạch NTM.

Đồng thời, sớm ổn định việc giao đất bãi triều, đẩy nhanh việc hoàn tất và cấp phép cho người dân có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản để yên tâm phát triển sản xuất. Tập trung phát triển nuôi trồng tại các bãi triều ở các xã Quảng Minh, Phú Hải, Quảng Điền, Quảng Phong và nuôi lồng bè, rào chắn ở xung quanh chân đảo xã Cái Chiên.

Tăng cường hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn cho nông - ngư dân thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, để tận dụng lợi thế một cách lâu dài, huyện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tự ý lấn chiếm đất bãi triều và vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, sự quyết tâm làm giàu của nhân dân, chắc chắn thế mạnh ven biển của huyện Hải Hà sẽ được khai thác, phát huy một cách mạnh mẽ, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ sư thủy lợi mát tay nuôi lợn rừng Kỹ sư thủy lợi mát tay nuôi lợn rừng

Đang có công việc ổn định với thu nhập khá ở Hà Nội, nhưng vì đam mê... lợn rừng mà anh Thái Đình Hải (27 tuổi) quyết định về quê ở Nghệ An thực hiện niềm đam mê của mình.

28/12/2015
100m2 mỗi năm thu 80 triệu đồng 100m2 mỗi năm thu 80 triệu đồng

Với 100m2 chuồng trại nuôi 25 con lợn rừng lai, trừ chi phí mỗi năm ông Chu Ngọc Trai, ở khu 16, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lãi khoảng 80 triệu đồng.

29/12/2015
Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng đối với cán bộ, hội viên nông dân trong xã Hào Lý huyện Đà Bắc- Hòa Bình.

29/12/2015
Trồng dưa hấu cho thu nhập khá Trồng dưa hấu cho thu nhập khá

Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.

29/12/2015
Thoát nghèo nhờ nấm rơm Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trồng nấm rơm ở quy mô hộ gia đình rất hiệu quả.

30/12/2015