Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Huy Sức Mạnh Từ Tổ Đội Nghề Cá

Phát Huy Sức Mạnh Từ Tổ Đội Nghề Cá
Ngày đăng: 16/05/2014

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 cách đảo Lý Sơn chỉ 119 hải lý - ngay trên đường ra khơi, đã gây nhiều cản trở cho ngư dân trong hành trình  khai thác hải sản. Ngư dân Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đã phát huy tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá để tạo sức mạnh tổng hợp đánh bắt trên biển.

Mùa đánh bắt, biển lặng sóng, nhưng mấy ngày qua, tại máy Icom đặt ở nhà tổ trưởng tổ đoàn kết 13 - 14 Huỳnh Văn Minh, thôn Tân Mỹ cứ reo lên liên hồi. Những người phía bờ theo dõi tình hình chồng con đang hoạt động khơi xa, và ngược lại phía biển lại dội về những tin tức về việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan ngay trên đường ra khơi của ngư dân.

Ông Minh phân trần, tổ có 12 chiếc tàu, với trên 120 thuyền viên, đánh bắt chủ yếu ở Hoàng Sa và Trường Sa. Mấy ngày qua, anh em ra khơi gặp nhiều khó khăn, hao tổn nguyên, nhiên liệu hơn trước.

Bởi, Trung Quốc đặt giàn khoan sâu vào thềm lục địa nước ta, mỗi lần ra khơi, ngư dân phải qua vùng biển này. Tuy nhiên, khi tàu cá ngang qua giàn khoan, bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi hoặc đâm vỡ... Vì vậy ngư dân phải đi vòng nên vừa tốn nhiên liệu, vừa kéo dài phiên biển. 

Ra khơi đã khó, khi đánh bắt được hải sản mang về lại càng vất vả hơn. Ngư dân Huỳnh Tấn Hoàng, chủ tàu QNg 97827TS kể, từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan, trở về mà gặp tàu của Trung Quốc là dễ mất cả công lẫn số cá, mực mình khai thác được.

Ông Huỳnh Văn Minh cho biết, bây giờ về bờ hay ra khơi các tàu đều phải đi có tổ, có anh em để có gì hỗ trợ cho nhau. Ông Minh tính, ở tổ ông giờ đã có 6 chiếc mới vào bờ, 6 chiếc đang hoạt động ở khơi xa. Đi theo nhóm, theo tốp, luân phiên như vậy, anh em mới tạo được sức mạnh tổng hợp, vững lòng giữa biển khơi.

Bất trắc, hiểm nguy, sóng gió nơi Biển Đông ngày càng lớn, nhưng ngư dân Nghĩa An vẫn kiên cường bám biển. Họ dựa vào tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá của mình.

Tổ đoàn kết cho họ sức mạnh tổng hợp trên biển, còn nghiệp đoàn nghề cá giúp họ về mặt pháp lý lẫn hỗ trợ về tiền bạc khi gặp rủi ro hoạn nạn. Ở xã Nghĩa An hiện có 521 đoàn viên vào 10 tổ nghiệp đoàn, 65 tổ đoàn kết thì đa số đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Họ đã phát huy sức mạnh từ các tổ đội hiệu quả.

Trong những ngày này, ngư dân không chỉ xích lại gần nhau, ra khơi có bè có bạn, mà họ đã thận trọng xem lại các thiết bị cần thiết để liên hệ với đất liền, với các cơ quan chức năng. Ở phía bờ, ngư dân cũng đã xem lại máy Icom cộng đồng. Toàn xã Nghĩa An có 3 máy Icom tập trung và 15 máy Icom tổ đội. Hằng ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng, bà con Nghĩa An lại vây quanh chiếc máy để đón nhận thông tin nơi biển khơi chuyển về và đất liền thông báo tình hình cho chồng, con.

Kể từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan bất hợp pháp và ngang ngược xua đuổi tàu cá của ngư dân, các máy Icom mở ngày 2 lần để thông báo và nhận tin kịp thời. Ông Lê Huy Phúc - cán bộ quản lý thủy hải sản xã Nghĩa An cho biết, thông qua các máy Icom cộng đồng và gặp gỡ trực tiếp các tổ trưởng tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá, xã đã tuyên truyền cho ngư dân vững lòng bám biển.

Sáng 8.5, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã kịp thời mở lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Luật Biển và tình hình biển Đông cho bà con xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi). Qua đó, động viên ngư dân ra khơi phát huy tinh thần tổ đội đoàn kết một lòng để bám biển, góp phần cùng với lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Khi gặp hoạn nạn, các ngư dân hỗ trợ nhau xử lý kịp thời và thông báo về địa phương, Đài duyên hải miền Trung. Chi cục cũng đã mở đường dây nóng để đón nhận thông tin từ ngư dân kịp thời. Bên cạnh tuyên truyền về Luật Biển, Chi cục cũng đã thông báo cho ngư dân về các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển.


Có thể bạn quan tâm

Nỗi buồn khoai môn Nỗi buồn khoai môn

Khác với tâm trạng phấn khởi trong những vụ khoai môn trước đây, không khí thu hoạch khoai môn vụ hè thu 2015 ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) diễn ra khá buồn tẻ. Khoai môn rớt giá, thương lái không chịu thu mua, nhiều ruộng khoai môn tới ngày thu hoạch nhưng chủ ruộng chẳng màng thu hoạch.

22/06/2015
Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa

Xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 2.322,65 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2002,78 ha. Năm 2013, xã đã thực hiện được 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

22/06/2015
Nông dân Ấp Láng phá bỏ cao su để trồng thiên lý Nông dân Ấp Láng phá bỏ cao su để trồng thiên lý

Trưởng ấp Láng (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay trong toàn ấp có khoảng hơn 500 hộ, nhưng có đến gần 70% số hộ dân trồng dây thiên lý lấy hoa để bán cho thương lái.

22/06/2015
Sa Pa trồng thành công sâm Ngọc Linh Sa Pa trồng thành công sâm Ngọc Linh

Từ năm 2011, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã đưa vào trồng khảo nghiệm giống sâm Ngọc Linh tại Sa Pa.

22/06/2015
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về thủy sản Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về thủy sản

Với đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa nhiệt tình giảng dạy vừa say mê nghiên cứu khoa học (NCKH), Trường Đại học Nha Trang đã có nhiều công trình NCKH ứng dụng hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, vốn là thế mạnh của trường.

22/06/2015