Phát Huy Nguồn Lợi Cá Đồng

Không chỉ là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh với trên 30.000 ha, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) còn là vùng có sản lượng cá đồng dồi dào.
Thời gian qua, các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong người dân về việc ý thức bảo vệ nguồn lợi cá đồng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những vi phạm như việc sử dụng điện để xiệc cá, những trường hợp khai thác cá đồng bừa bãi, buôn bán cá non…
Khôi phục nguồn lợi thiên nhiên
Năm 2008, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa - cá đồng. Năm 2011, dự án lại được tiếp tục thực hiện với quy mô lớn hơn, đầu tư về con giống, kỹ thuật nuôi với diện tích 83 ha, tại các xã: Trần Hợi, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp, đến nay diện tích nuôi cá nước ngọt trong toàn huyện được gần 14.279 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá đồng quảng canh 14.000 ha, cá đồng thâm canh gần 279 ha.
Ông Sử Văn Minh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Hằng năm, diện tích nuôi cá đồng trong huyện luôn tăng. Riêng năm 2012 đến nay, diện tích nuôi cá đồng thâm canh tăng đột biến, từ 128,5 ha tăng lên gấp 2 lần”.
Xã Khánh Hưng là một trong những địa phương có truyền thống nuôi cá đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã Khánh Hưng có khoảng 38 ha nuôi cá bổi thương phẩm với 210 hộ; diện tích nuôi các loại cá đồng khác thâm canh trên 57 ha.
Ngoài ra, xã còn có 956 ha diện tích nuôi cá đồng kết hợp với trồng lúa, đã và đang trở thành mô hình sản xuất quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình của người dân. Đây là điều kiện thuận lợi để nguồn lợi cá đồng được phát triển.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Là vùng nguyên liệu cá bổi tươi lớn nhất tỉnh Cà Mau, ngoài đặc sản khô bổi U Minh được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2011, con cá bổi đang được nhà nông huyện Trần Văn Thời mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô rộng hơn với nhiều hình thức đa dạng.
Nằm trong số hộ nuôi cá bổi theo hình thức công nghiệp từ năm 2012, anh Phạm Thanh Cường, ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng, tự ươm giống thành công và thả nuôi 3 ao, với diện tích khoảng 1.000 m2 mặt nước, mang về thu nhập trên 100 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.
Từ kết quả đạt được, năm 2013, anh Cường tiếp tục mở rộng diện tích 1.600 m2 mặt nước, thu hoạch được 3,8 tấn, lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Anh Cường phấn khởi: “Năm nay, nuôi cá bổi công nghiệp trúng mùa lại được giá, tôi rất phấn chấn. Tết năm nay gia đình tôi sẽ được đón Tết tươm tất hơn mọi năm”.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, cho biết, trước đây, trên địa bàn xã, nhiều nông dân vì cái lợi trước mắt mà khai thác cá đồng bừa bãi. Với sự chỉ đạo kỳ quyết của UBND, Đảng uỷ xã, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng kết hợp với vận động tuyên truyền trong nhân dân, đến nay tình trạng này giảm hẳn.
Hiện nay, nguồn cá đồng ở địa phương ngày càng được phát triển. Nếu như năm 2011, việc nuôi cá bổi thâm canh chỉ diễn ra nhỏ lẻ, khoảng 30 ha thì năm 2013, diện tích nuôi cá bổi tăng thêm 8 ha. Không chỉ đối với nuôi thâm canh mà hình thức nuôi cá bổi công nghiệp cũng ngày càng được mở rộng.
“Giá cá bổi năm nay khá ổn định, cá loại I (khoảng 8 con/kg) có giá trên 75.000 đồng/kg, người nuôi rất phấn khởi vì có lãi khá và chắc chắn bà con sẽ có một cái Tết sung túc”, ông Phan Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, chia sẻ.
Từ thực tế cho thấy, việc phát triển nguồn lợi cá đồng là một hướng đi đúng. Không chỉ giúp bảo tồn và phát triển sản lượng cá đồng trong huyện mà còn tạo điều kiện để nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù là nước nông nghiệp, song mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô. Do đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp kỳ vọng lớn.

Theo Chi cục Thủy lợi, đến ngày 9-8, toàn tỉnh Bắc Giang còn khoảng 1 nghìn ha lúa ở huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên tiêu bằng hệ thống tự chảy vẫn bị ngập úng do mực nước sông cao. Ước tính, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn ha lúa mất trắng sau đợt mưa lũ vừa qua.

Mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.

Trước thực trạng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) liên tiếp gặp khó khăn trong tiêu thụ những niên vụ gần đây; đặc biệt là giá trị thị trường luôn rớt xuống ở mức rất thấp mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trước thềm niên vụ hành sắp tới.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Qua đó, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.