Phan Thiết, Bình Thuận Ngư Dân Được Mùa Cá Cơm Nhiều Khó Khăn

Theo lịch khai thác hải sản của ngư dân thì hiện nay, mùa đánh cá cơm đã trôi qua được một trăng, tức bằng khoảng một tháng dương lịch. Tuy nhiên khác với mọi năm, năm nay sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân đạt thấp, trong khi đầu ra của mặt hàng cá hấp lại không ổn định, khiến giá thu mua giảm mạnh.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng theo từng ngày mà thu nhập lại bấp bênh, khiến ngư dân hành nghề đánh bắt cá cơm lo lắng.
Buổi sáng sớm đầu tháng 8 tại Cảng biển Phú Hài – Phan Thiết, tàu thuyền vẫn tấp nập ra vào để bốc dỡ những mẻ cá tươi sau những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, len lỏi trong số các tàu cập bến chỉ có một, hai tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm. Sản lượng khai thác thì thấp hơn khá nhiều so với những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thành - một ngư dân hành nghề pha xúc cá cơm tại phường Phú Hài cho biết, số cá cơm đánh bắt được sau một chuyến vươn khơi 4 ngày chỉ đạt bằng từ 60 – 70% sản lượng so với mùa này năm ngoái. Trong khi giá cá không cao, xăng dầu lại tăng nên rất khó khăn.
Vài năm gần đây, từ đầu tháng 7 dương lịch – trùng với thời điểm UBND tỉnh cho phép một số thuyền nghề khai thác gần bờ hoạt động, cũng là lúc các thuyền đánh bắt cá cơm khai thác đạt sản lượng cao. Tuy nhiên năm nay, mùa cá cơm đã trôi qua được một tháng nhưng sản lượng khai thác đạt thấp.
Lí giải tình trạng này, nhiều ngư dân cho rằng do thời tiết không thuận lợi, cộng với việc tình trạng khai thác hải sản non, nhất là đánh bắt gần bờ diễn ra thường xuyên khiến trữ lượng cá cơm giảm. Bên cạnh đó, mọi năm vào mùa này ở các vùng biển lộng thường có đàn cá nổi xuất hiện, còn năm nay thì hiện tượng này rất ít xảy ra.
Việc sản lượng cá cơm sụt giảm khiến cho các cơ sở sản xuất nước mắm thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để muối chượp. Theo ông Nguyễn Huy Tiến – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, hiện nay lượng cá mới chỉ đáp ứng từ 10 đến 15% công suất các xưởng chế biến nước mắm, và dự báo tình hình thiếu nguyên liệu trong mùa muối chượp năm nay.
Có một nghịch lý đang diễn ra đó là trong khi sản lượng cá cơm giảm nhưng giá mua lại không tăng, thậm chí một số thời điểm còn hạ so với mọi năm.
Tại Cảng cá Phan Thiết cũng như Cảng Phú Hài, giá thu mua mỗi giỏ cá cơm, loại 25kg/giỏ dao động từ 200 đến 250 ngàn đồng, tùy loại lớn nhỏ và chất lượng cá. Riêng về cá cơm dùng để muối chượp, mức giá chỉ chừng 150 ngàn đồng/giỏ. Nguyên nhân quan trọng đó chính là các cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô không còn tham gia thu mua mạnh như trước.
Vào thời điểm này năm ngoái, nhiều thương lái liên tục có mặt ở bến cảng để đón đầu các thuyền cá cơm, nhưng năm nay thì khác. Một số chủ cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô cho hay, đơn đặt hàng của thị trường tiêu thụ mặt hàng này ở nước ngoài đến nay vẫn chưa có và nhu cầu không còn mạnh, điều này khiến cá cơm nguyên liệu dùng để hấp bán rất chậm. Trong khi đó, giá cá cơm để muối chượp cũng không tăng do giá thành nước mắm vẫn giữ nguyên.
Sản lượng khai thác, giá thu mua cá cơm là vậy. Trong khi đó giá xăng dầu trong mỗi chuyến biển lại liên tục có chiều hướng gia tăng khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nỗi băn khoăn thường trực của ngư dân trong mỗi lần vươn khơi buông lưới.
Có thể bạn quan tâm

Đã hơn 20 năm qua, người dân Vũng Liêm đã gắn bó và sinh sống cùng cây lác. Thu nhập kinh tế từ 1 công đất lác hơn hẳn 1 công đất lúa. Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch được trong 5 - 6 năm, cá biệt có diện tích tốt sẽ thu hoạch được gần 10 năm. Cứ 5 tháng thì thu hoạch một lần.

Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 536ha, trong đó, 320ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, do thời tiết diễn biến bất thường, cà phê lâu năm trổ bông đúng thời điểm nhiều mưa nên năng suất không cao, thậm chí giảm so với mọi năm.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh Bình Thuận hàng năm trên 100 ngàn ha, năng suất bình quân năm 2014 là 56,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 659 ngàn tấn. Vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh tập trung ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh.

Đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, kiến thiết tạo nhiều thuận lợi cho thâm canh và áp dụng cơ giới hóa. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn qua nhiều năm là cơ sở để áp dụng và nhân rộng nhanh.

Trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn qua những nương chè xanh ngát, chúng tôi đến nhà ông Trần Duy Hưng ở xóm Cây Thị, một trong những hộ làm chè Đông lâu năm của xã. Ông cho biết : Vì chủ động được nguồn nước tưới nên năm nào nhà tôi cũng làm 10 sào chè vụ đông.