Phân Hữu Cơ Rất Cần Thiết Cho Cây Có Múi

Phân hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong canh tác cây có múi, bởi đây là thành phần giúp cải thiện đặc tính hóa lý của đất, giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất và ổn định chất lượng. Những năm gần đây, phần lớn nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã chủ động đưa phân hữu cơ vào phục vụ sản xuất, không còn lệ thuộc vào phân hóa học như trước. Đây là một tín hiệu vui để tỉnh từng bước tiến đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững.
Thời gian trước, nhà vườn ở huyện Lai Vung gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý diện tích vườn bị già cỗi. Nhiều diện tích vườn phải đốn bỏ do năng suất kém mà nguyên nhân chủ yếu do tình trạng nghèo kiệt chất hữu cơ trong đất.
Tuy nhiên, sau 10 năm, kể từ khi dự án vườn quýt hồng kiểu mẫu do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện trên 100ha ở xã Long Hậu, đến nay ý thức của người dân đối với việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi dần được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nhà vườn không còn lạm dụng phân hữu cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, hiện nay phần lớn nhà vườn ở huyện đều sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi. Anh Nguyễn Hữu Hạnh, một nhà vườn trồng cam xoàn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Đã trồng cây có múi thì bắt buộc phải sử dụng phân hữu cơ.
Bên cạnh giúp tăng độ phì cho đất, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển thì phân hữu cơ còn giúp tăng tuổi thọ và sức bền cho cây. Sau nhiều năm sử dụng phân hữu cơ, tôi nhận thấy kích cỡ trái rất đồng đều, màu sắc trái khi thu hoạch cũng sáng và đẹp hơn”.
Thông thường nhà vườn sử dụng 2 loại phân hữu cơ chính là phân hữu cơ dạng tinh chế và phân hữu cơ dạng tự hoai ủ từ phân chuồng hoặc xác thực vật. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân hữu cơ dạng tinh chế kém chất lượng, gây không ít khó khăn và hoang mang cho người sử dụng.
Anh Lưu Văn Tín, Giám đốc Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều sản phẩm kém chất lượng, giá lại đắt. Đặc biệt, hầu hết các loại phân hữu cơ trên thị trường hiện nay đều không được niêm yết giá gốc trên bao bì nên nhà vườn gặp khó trong vấn đề lựa chọn loại phân bón phù hợp, chất lượng”.
Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, sử dụng phân hữu cơ trong trồng trọt là một giải pháp tối ưu để tiến đến một nền nông nghiệp sản xuất bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhà vườn cần có những hiểu biết về đặc tính cây trồng và sử dụng phân bón vào từng giai đoạn phù hợp.
Khi sử dụng phân hữu cơ dạng tinh chế, nhà vườn cần chọn mua các sản phẩm có uy tín và xuất xứ rõ ràng. Đối với sử dụng phân chuồng hoặc xác thực vật bón cho cây trồng, nhà vườn cần hoai ủ và nên tưới thêm nấm Trichoderma để ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, đồng thời giúp quá trình phần hủy được diễn ra nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm

Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng nhanh, và xu hướng tăng này đã bắt đầu từ vài hôm trước. Nhiều dự báo cho rằng khả năng lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt với khối lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng chưa giao còn hơn 2 triệu tấn.

Anh Đỗ Thanh Bình ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhờ thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT), gia đình anh Bình đã vươn lên khá giả.

Với gần 4 ngàn hécta, mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn của Đồng Nai. Nhưng vài năm trở lại đây, nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi nông dân loay hoay với bài toán tìm cây trồng hiệu quả hơn, thì các nhà máy chế biến đường lại lo vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cuối cùng thì cây mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng vượt qua những áp lực lớn về giá tiêu thụ, về sự bùng phát của nghề nuôi tôm thẻ, để tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng gần 8.000ha ở niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, về lâu dài, cây mía có còn là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Những ngày qua, vụ mùa nuôi tôm chân trắng ở thôn Trường Định bắt đầu thu hoạch. Tại đây có 23 hộ nuôi trên diện tích 15,25 ha, thu về 58,9 tấn tôm. Khác với cảnh mặc ai nấy bán ở những vùng chăn nuôi khác, tại thôn đã thành lập Chi hội nuôi tôm nhằm thống nhất giá, đảm bảo quyền lợi cho hội viên. Với mức giá tôm thương phẩm 125.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg), toàn thôn thu về 7,36 tỉ đồng, người nuôi tôm lãi ròng từ 100-400 triệu đồng/hộ sau khi trừ chi phí.