Phân Hữu Cơ Rất Cần Thiết Cho Cây Có Múi

Phân hữu cơ giữ vai trò quan trọng trong canh tác cây có múi, bởi đây là thành phần giúp cải thiện đặc tính hóa lý của đất, giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất và ổn định chất lượng. Những năm gần đây, phần lớn nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã chủ động đưa phân hữu cơ vào phục vụ sản xuất, không còn lệ thuộc vào phân hóa học như trước. Đây là một tín hiệu vui để tỉnh từng bước tiến đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững.
Thời gian trước, nhà vườn ở huyện Lai Vung gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý diện tích vườn bị già cỗi. Nhiều diện tích vườn phải đốn bỏ do năng suất kém mà nguyên nhân chủ yếu do tình trạng nghèo kiệt chất hữu cơ trong đất.
Tuy nhiên, sau 10 năm, kể từ khi dự án vườn quýt hồng kiểu mẫu do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện trên 100ha ở xã Long Hậu, đến nay ý thức của người dân đối với việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi dần được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nhà vườn không còn lạm dụng phân hữu cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, hiện nay phần lớn nhà vườn ở huyện đều sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất cây có múi. Anh Nguyễn Hữu Hạnh, một nhà vườn trồng cam xoàn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Đã trồng cây có múi thì bắt buộc phải sử dụng phân hữu cơ.
Bên cạnh giúp tăng độ phì cho đất, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển thì phân hữu cơ còn giúp tăng tuổi thọ và sức bền cho cây. Sau nhiều năm sử dụng phân hữu cơ, tôi nhận thấy kích cỡ trái rất đồng đều, màu sắc trái khi thu hoạch cũng sáng và đẹp hơn”.
Thông thường nhà vườn sử dụng 2 loại phân hữu cơ chính là phân hữu cơ dạng tinh chế và phân hữu cơ dạng tự hoai ủ từ phân chuồng hoặc xác thực vật. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân hữu cơ dạng tinh chế kém chất lượng, gây không ít khó khăn và hoang mang cho người sử dụng.
Anh Lưu Văn Tín, Giám đốc Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều sản phẩm kém chất lượng, giá lại đắt. Đặc biệt, hầu hết các loại phân hữu cơ trên thị trường hiện nay đều không được niêm yết giá gốc trên bao bì nên nhà vườn gặp khó trong vấn đề lựa chọn loại phân bón phù hợp, chất lượng”.
Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, sử dụng phân hữu cơ trong trồng trọt là một giải pháp tối ưu để tiến đến một nền nông nghiệp sản xuất bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhà vườn cần có những hiểu biết về đặc tính cây trồng và sử dụng phân bón vào từng giai đoạn phù hợp.
Khi sử dụng phân hữu cơ dạng tinh chế, nhà vườn cần chọn mua các sản phẩm có uy tín và xuất xứ rõ ràng. Đối với sử dụng phân chuồng hoặc xác thực vật bón cho cây trồng, nhà vườn cần hoai ủ và nên tưới thêm nấm Trichoderma để ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, đồng thời giúp quá trình phần hủy được diễn ra nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm

Không chỉ tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu bị chết hàng loạt, hiện tình trạng này vừa diễn ra và liên tục tiếp diễn tại khu vực nuôi thủy sản Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Điều đáng nói là trong lúc người dân lao đao, lo lắng mà ngành chuyên môn vẫn thờ ơ, xem đây là bệnh thông thường thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm để tìm cách cứu chữa.

Tuần qua, bất ngờ giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu tăng trở lại với mức cao nhất đạt 1.000 đồng/kg, theo Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang.

Hàng nghìn hộ nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng liên tục tấn công vườn nhãn ngay ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cây nhãn nhiễm bệnh chổi rồng lên đến 80,90% báo hiệu một mùa vụ thất thu nghiêm trọng

Lúa ĐX ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Dù trên nhiều cánh đồng lớn chưa gặt rộ, mới vào khúc dạo đầu nhưng ẩn số lúa IR50404 đã dần lộ diện. Có nơi gần cả huyện trồng độc nhất giống lúa này, nay bán ra gặp lúc lúa rớt giá than vãn hết lời.

Kỳ đà là loài bò sát dễ nuôi, không tốn nhiều chi phí, đồng thời mang lại hai lợi ích to lớn, đó là: phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn được loài động vật hoang dã