Phản Đối Mức Thuế Trong Quyết Định Sơ Bộ POR9 Của DOC Đối Với Cá Tra Xuất Khẩu

VASEP yêu cầu DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 08 và 09 như các năm trước đây.
Dưới đây là nguyên văn thông cáo:
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5/9/2013
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Phản đối mức thuế trong quyết định sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 09 của DOC đối với cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ
Ngày 4/9/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 09 (POR9), giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012, thuế chống bán phá giá (CBPG) philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, thuế CBPG cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong quyết định sơ bộ của POR9 cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là 0,42 USD/kg và 2,15 USD/kg và cho các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện là 0,99 USD/kg.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) rất bất bình trước việc DOC đột ngột thay đổi cách chọn quốc gia thay thế, đồng thời phản đối mức thuế trong quyết định sơ bộ cho đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 09 của DOC. Trước đó, VASEP cùng các DN XK cá tra sang Hoa Kỳ đã khiếu kiện phán quyết cuối cùng POR8 của DOC lên Tòa Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US CIT), yêu cầu xem xét tính chính xác trong các tính toán của DOC, buộc DOC phải lựa chọn lại quốc gia thay thế hợp lý hơn và tính toán lại mức thuế. CIT đã chấp nhận đơn khởi kiện và yêu cầu Hải quan Mỹ tạm dừng không thu thuế CBPG của các doanh nghiệp theo kết luận cuối cùng của POR8 cho tới khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án này.
Quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam đã dẫn đến mức thuế CBPG trong quyết định sơ bộ lần này tăng cao một cách vô lý. Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Hơn nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới.
Thậm chí, quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế đã mâu thuẫn với chính quyết định của DOC trước đó vào ngày 8/11/2012 khi công bố danh sách 6 quốc gia sẽ được sử dụng làm nước thay thế để tính toán mức thuế CBPG cho POR9, trong đó Indonesia không nằm trong danh sách 6 nước này. Chính DOC đã thừa nhận Indonesia không có sự “tương đồng về điều kiện kinh tế” với Việt Nam đối với hơn một nửa số tiêu chí của POR.
Liên tiếp qua các kỳ xem xét hành chính, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam. Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như Việt Nam, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở Việt Nam và Bangladesh là tương đương nhau. Chính vì vậy, không có lý do nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong đợt xem xét hành chính lần này cũng như trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 08 vừa qua.
Quyết định sơ bộ này của DOC đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA). Quyết định sơ bộ mang tính trừng phạt này của DOC khiến các doanh nghiệp Việt Nam nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét của DOC.
Quyết định này của DOC sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. VASEP yêu cầu DOC phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam trong quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 08 và 09 như các năm trước đây.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam - VASEP
Có thể bạn quan tâm

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 14 Agro Viet 2014 ( từ ngày 14 – 17/11/2014), sẽ diễn ra hai hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, gồm Hội nghị phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp và Hội nghị giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.

Tham dự phiên họp có đại diện 69 quốc gia thành viên và hơn 50 tổ chức là quan sát viên từ các quốc gia muốn trở thành thành viên ITTO trong tương lai, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân liên quan đến quản lý rừng và thương mại lâm sản.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: Tính từ đầu năm đến nay với 25 đợt công tác thanh, kiểm tra liên ngành liên quan đến thuốc BVTV trên địa bàn, phát hiện hành vi vi phạm 40 trường hợp, trong đó có 28 trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa và không có giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV. Đã xử phạt hành chính 84.600.000 đồng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 968 vụ, khởi tố 27 vụ án hình sự, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 9,7 tỷ đồng. Đồng thời đã tổ chức hơn 298 lượt tuần tra, truy quét về khai thác khoáng sản trái phép có xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Sáng 5/11, tại Trung tâm tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, thuộc VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tổ chức Động vật châu Á cắt băng khánh thành bốn khu bán tự nhiên chăm sóc gấu lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 12.000m2, có khả năng nuôi dưỡng khoảng 80 cá thể gấu theo mô hình bán hoang dã.