Phân Bò Đắt Hàng

Ở Phú Yên, phân bò đang trở nên đắt hàng, được xuất bán ra nhiều tỉnh. Có những thời điểm mưa kéo dài, giá phân bò xuống thấp nhưng nhiều người vẫn đổ xô đem bán, trong khi đó các cánh đồng đang kiệt sức vì thiếu phân bò làm ”vốn” dinh dưỡng.
Dọc theo quốc lộ 1, đoạn qua thôn Phú Điềm (xã An Hòa), thôn Hòa Đa (xã An Mỹ) của huyện Tuy An, phân bò được cho vào bao chất thành từng đống. Ở nhiều nơi khác thuộc huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, “đại lý” chuyên mua phân bò cũng xuất hiện rất nhiều. Các “đại lý” còn cho người lùng sục đến tận các xã như Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân), Sơn Long (Sơn Hòa)... mua phân bò.
Anh Nguyễn Văn Sử, chủ “đại lý” phân bò ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa (Tuy An) cho biết, chỉ riêng huyện Tuy An đã có đến 70 điểm mua phân bò. Từ tháng 2 đến tháng 6, phân bò mua tại gốc giá 20.000 đồng/bao (khoảng 40 đến 50kg), chở lên Lâm Đồng bán giá 35.000 đồng/bao. Với một xe trọng tải 15 tấn, một chuyến đi người bán lãi 1,5 triệu đồng.
Phân bò đang là mặt hàng giúp tăng thu nhập cho nhiều nông dân. Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) cho biết, nhà có nuôi 5 con bò, trung bình một tháng gom phân bán được 300.000 đồng, một năm thu gần 4 triệu đồng. Theo anh Tạ Văn Cường, một người mua phân bò ở xã Xuân Quang 3, phân bò được chở lên Gia Lai, Đắk Lắk để bán cho nhà vườn trồng cà phê.
Chính vì phân bò xuất đi các tỉnh với số lượng lớn nên các cánh đồng của xã An Hiệp, An Hòa (Tuy An); Bình Kiến, Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), không còn phân bò để bón ruộng. Ông Huỳnh Hồ Hải, nông dân ở huyện Đồng Xuân cho biết: “Lâu nay, tôi vẫn trung thành với việc bón ruộng bằng phân bò, nhờ vậy hai thửa ruộng nhà tôi ít sâu bệnh, còn ruộng bên cạnh tôi thấy họ xịt thuốc trừ sâu liên tục”.
Theo kinh nghiệm của nông dân, đối với ruộng bón lót phân bò thì về sau chỉ bón ít phân kali hoặc urê chứ không phải đội cả thúng phân NPK, DAP đổ xuống nữa. Bón phân bò một vụ, đất tốt có thể dùng đến 2-3 vụ sau. “Họp xã viên lần nào tôi cũng có ý kiến về nghịch lý này nhưng bà con nghe rồi bỏ ngoài tai”, ông Nguyễn Lâm, nông dân ở xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa) tâm sự.
Một số cánh đồng ở huyện Phú Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa, nơi được xem là vựa lúa của tỉnh đang bị “kiệt sức”. Ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Kiến 2 phân tích: “Để chữa được căn bệnh ruộng nghèo dinh dưỡng, cần phải bón phân bò. Nếu không có phân bò làm “vốn” cho đất thì năm nào nông dân cũng phải mua các loại phân bón hóa học đầu tư, như vậy cầm chắc là lỗ”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, sở đã đề nghị các địa phương vận động nông dân không bán phân hữu cơ (phân bò) ra ngoài tỉnh, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón cho đồng ruộng, nhằm nâng cao năng suất cây trồng và chống nghèo hóa đất.
Có thể bạn quan tâm

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.

Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.