Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phá giá nhân dân tệ xuất khẩu nông sản Việt thiệt hại lớn

Phá giá nhân dân tệ xuất khẩu nông sản Việt thiệt hại lớn
Ngày đăng: 15/08/2015

Lo nhất là gạo

Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang TQ. Cụ thể, trong số 3,72 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu, riêng TQ đã chiếm 38,1%. Đối với mặt hàng cao su, TQ cũng là nước dẫn đầu trong số các nước nhập khẩu sản phẩm này của nước ta, với khoảng trên 25% sản lượng. Tương tự, hạt điều Việt Nam mà TQ nhập khẩu chiếm gần 13%. Đặc biệt là mặt hàng sắn khi TQ nhập khẩu tới gần 90% trên tổng số 2,89 triệu tấn sắn mà nước ta đã xuất khẩu trong 7 tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Công ty TNHH Việt Hưng- chuyên xuất khẩu gạo, cho biết, bên cạnh việc xuất khẩu chính ngạch, TQ còn tiêu thụ một lượng 2 – 3 triệu tấn gạo Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch. Do vậy, việc TQ phá giá  NDT dễ dẫn tới việc giảm sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này. Ông Đôn cho ví dụ, hiện tại, giá gạo thơm đang bán chính ngạch sang Trung Quốc giá 580 USD/tấn. Với mức tỷ giá mới ngày 13.8, 1USD = 6,4010 NDT, nhà nhập khẩu TQ phải bỏ ra đến 3.720 NDT cho 1 tấn gạo thơm, tăng hơn 170 NDT so với lúc trước khi đồng tiền nước này giảm giá.

“Việc phải mua gạo Việt Nam với giá cao, buộc nhà nhập khẩu TQ phải bán ra với giá cao hơn để đảm bảo lợi nhuận. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu TQ phải giảm mua gạo từ Việt Nam, chuyển sang mua gạo Thái, Myanmar với giá cạnh tranh hơn”- ông Đôn nói.

Nhiều thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tiểu ngạch với TQ tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Long An… cũng cho rằng, đang có hiện tượng phía TQ ép nhà xuất khẩu phải giảm giá gạo, dù hợp đồng đã ký. “Nếu không giảm giá, họ có thể viện đủ lý do, không nhận hàng hoặc chỉ nhập một phần hợp đồng” - đại diện một nhà xuất khẩu gạo tại Cái Bè (Tiền Giang) lo lắng.

Tương tự, mặt hàng sắn có khả năng còn bị ảnh hưởng nặng hơn. Ông Nguyễn Duy Nghiệp- Giám đốc Công ty An Nghiệp (Lào Cai) cho biết: “Tôi hoàn toàn xuất khẩu nông sản như sắn sang TQ qua con đường chính ngạch, nên sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn mỗi khi giá NDT lên, xuống”. Theo ông Nghiệp, khi mình xuất nông sản sang TQ họ thường trả trực tiếp bằng NDT, nên đương nhiên khi NDT rẻ đi thì mình sẽ chịu thiệt do mình phải bỏ ra nhiều NDT hơn so với trước để đổi USD hoặc tiền Việt để trả tiền thu mua nông sản cho bà con nông dân và các đại lý.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Ái - Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, chuyên xuất khẩu sản phẩm chè cho biết: “Khi TQ điều chỉnh tỷ giá như vậy, sẽ làm lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của họ. Nhưng đối với doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu hàng sang TQ, tiền thu về là  NDT, đến khi quy đổi sang USD sẽ rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Do đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang TQ có thể sẽ giảm xuất phát từ việc giảm nhu cầu nội địa, giảm nhu cầu hàng hóa tại TQ, đặc biệt là hàng nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang phần lớn xuất khẩu sang quốc gia này”.

Thủy sản cạnh tranh khốc liệt

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại, giá thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới hiện cao hơn các nguồn cung cấp khác nên cạnh tranh khá khó khăn. Việc TQ giảm giá NDT càng khiến doanh nghiệp trong nước lo ngại về việc sụt giảm sản lượng xuất khẩu.

Cụ thể, dù đã giảm giá, nhưng so với tôm của Ấn Độ, Thái Lan, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao hơn xấp xỉ 2 USD/kg. Nửa đầu năm 2015, giá tôm Việt Nam xuất sang Mỹ trung bình gần 12 USD/kg, trong khi tôm Ấn Độ chỉ ở mức 10,2USD, tôm Indonesia chỉ 10,3USD/kg. Trong khi đó, hiện là thời điểm doanh nghiệp chạy đua kiếm thêm đơn hàng xuất khẩu vào nước này cho dịp lễ, tết cuối năm.

Ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) nêu ví dụ cụ thể, hiện hàng thuỷ sản chế biến sâu như tôm tẩm bột, tôm hấp… chỉ có TQ, Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh. Với tỷ giá điều chỉnh chỉ 1% VND/USD, trong khi TQ giảm giá đến 4,6%, sản phẩm của nước này sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Với mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: “Theo tính toán của chúng tôi, mức giá xuất vào nước này có thể giảm thêm từ 2 – 5%. Chỉ riêng mặt hàng thanh long, theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên, hiện giá thanh long xuất sang TQ đang giảm  mạnh từ mức trên 20.000 đồng/kg xuống còn khoảng 9.000 – 10.000 đồng/kg”.

Đại diện hầu hết các hiệp hội ngành hàng như cà phê, hồ tiêu… cũng đều nhận định xuất khẩu sang thị trường TQ trong thời gian tới chắc chắn sẽ có tác động. ông Nguyễn Viết Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam cho biết, mặt hàng cà phê đang bị chịu tác động mạnh khi Brazil phá giá đồng tiền nội địa, giờ lại tiếp tục thêm TQ. Mặc dù thị trường TQ chỉ xếp thứ 8 về các nước nhập khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tới xuất khẩu cà phê. 


Có thể bạn quan tâm

Người tiêu dùng bối rối vì dưa Trung Quốc Người tiêu dùng bối rối vì dưa Trung Quốc

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng thắc mắc về loại dưa lưới, dưa vàng đang bày bán rất nhiều trên thị trường không biết là của Trung Quốc hay Việt Nam. Giá các loại dưa này hiện dao động 20.000-35.000 đồng/kg.

01/08/2015
Nhãn lồng lần đầu chờ sang Mỹ Nhãn lồng lần đầu chờ sang Mỹ

Mới đầu vụ thu hoạch, nhưng khắp các cánh đồng huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã bắt đầu nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Năm nay, lần đầu tiên nhãn được xuất sang thị trường Mỹ.

01/08/2015
Nông sản, thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam tăng nhanh Nông sản, thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam tăng nhanh

VN là quốc gia đứng vị trí thứ 7 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm gắn với số lượng nhà hàng Nhật Bản có hướng tăng nhanh.

01/08/2015
Mở đường bơi cho cá tra Mở đường bơi cho cá tra

Trước áp lực từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, mở “đường bơi” cho cá tra đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị, đặc biệt là sự “phân khúc” để phù hợp với từng thị trường... Đó là những ý kiến được nêu bật tại Hội nghị “Bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra” diễn ra ngày 30.7 tại TP. Cần Thơ.

01/08/2015
Nông dân chặt cao su trồng điều Nông dân chặt cao su trồng điều

Thời điểm giá mủ cao, người nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đổ xô chặt bỏ cây điều để trồng cao su. Tuy nhiên, sau thời gian dài giá mủ xuống thấp, thêm vào đó hai năm trở lại đây, điều được mùa, được giá, dễ trồng và ít công chăm sóc, người dân lại chặt cao su để trồng điều.

01/08/2015